Để tạo cơ sở pháp lý bền vững, thống nhất cho việc phát triển ngành cơ khí cần nghiên cứu để sớm xây dựng một đạo Luật về phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó có ngành cơ khí.
>>Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Quân – Chủ tịch Hội cơ khí tỉnh Bắc Giang cho biết, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo Quyết định 319/QĐ-TTG ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tương đối hoạt động của ngành công nghiệp cơ khí, vì vậy, cần sớm có các chính sách cụ thể để hiện thực hóa chủ trương này, tạo hành lang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển…
Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá sao về thực thi chủ trương này?
Theo tôi, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo Quyết định 319/QĐ-TTG ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ rất phù hợp, kịp thời, bám sát tương đối hoạt động của ngành công nghiệp cơ khí, nhưng việc hiện thực hóa chủ trương này cho đến nay vẫn chưa đem đến những kết quả như kỳ vọng.
Chẳng hạn như điểm b, phần 2, mục II giải pháp thực hiện của Quyết định 319/QĐ-TTG có nêu: “Tạo lập thị trường ở các phân ngành đã chọn, tạo tiền đề cho ngành cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo, ban hành các chế tài để bảo hộ hàng trong nước đã sản xuất được phù hợp cam kết quốc tế”.
Tuy nhiên, cho đến nay, các chính sách liên quan được ban hành vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu mà Chiến lược đã đề ra, các doanh nghiệp ngành cơ khí vẫn phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, thời hạn hoàn vốn cho các dự án đầu tư cơ khí có thời gian gấp 1,5 lần các dự án khác (khoảng 10-12 năm). Vì vậy, khi chưa có những cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển thì khó có thể đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển ngành cơ khí trong nước đã đề ra.
Theo ông, đâu là những bất cập, vướng mắc đối với doanh nghiệp?
Cụ thể, một số cơ chế, chính sách tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước từ các dự án mua sắm, đầu tư từ ngân sách nhưng ít thực hiện được trên thực tế do vướng mắc từ yêu cầu, điều kiện của nhà tài trợ vốn, do nhận thức của chủ dự án và do chất lượng máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu.
Tiêu chí đấu thầu đối với các dự án lớn sử dụng sản phẩm cơ khí theo quy định của pháp luật trong nhiều trường hợp tạo lợi thế cho các doanh nghiệp nước ngoài thắng thầu. Sau đó, điều kiện đàm phán mua sắm máy móc, thiết bị cũng thường bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Thiếu chế tài cụ thể đối với các chủ đầu tư không tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ trong việc sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước…
>>Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về tài chính còn một số tồn tại, như vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn hạn, lãi suất biến động và thường ở mức cao, trong khi đó vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng quay vốn lưu động lại thấp dẫn đến thu hồi vốn chậm, vì vậy các dự án về cơ khí kém hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại hơn so với các dự án thuộc lĩnh vực khác. Chưa kể, tín dụng đầu tư Nhà nước khó tiếp cận, cơ chế cho vay chưa phù hợp với những dự án thuộc danh mục cơ khí trọng điểm.
Đặc biệt, việc phối hợp thực hiện các chính sách giữa trung ương và địa phương còn chưa hiệu quả. Nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi do cấp Trung ương đề ra chưa được các cấp địa phương thực hiện hiệu quả, do vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận cơ chế, chính sách của Nhà nước thông qua cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương...
Vậy để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí theo mục tiêu Chiến lược đã đề ra, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Để khắc phục những tồn tại cản trở sự phát triển của ngành cơ khí, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cả với các chủ dự án hoặc chủ đầu tư sử dụng sản phẩm cơ khí nội địa; có chính sách ràng buộc tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa; xem xét lại quy định thuế suất VAT đối với sản xuất cơ khí thay cho việc miễn giảm thuế như hiện nay.
Đồng thời, cần đầu tư các khu công nghiệp do Nhà nước làm chủ để tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất với chi phí thấp cho ngành cơ khí; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp nhận các quỹ đất đang còn dư thừa, muốn tìm đối tác để hợp tác sản xuất kinh doanh; giảm thủ tục hành chính trong việc xin chủ trương cho thuê lại nhà xưởng;… Song song với đó, cần có kế hoạch đào tạo nguồn lực, bố trí ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp đầu tư các hệ thống quản trị mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.
Đặc biệt, cần quy định rõ ràng và giám sát thực hiện chặt chẽ nghiêm minh đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam, không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, tư nhân, FDI, nếu các phần việc cơ khí chế tạo trong nước đã có và có thể làm được cần phải có cơ chế, hàng rào bảo hộ bắt buộc các khối doanh nghiệp như nêu trên phải thực hiện. Công việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn hình thành chủ trương, lập quy hoạch, thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư. Có làm được những việc như trên các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mới lấy được chỗ đứng và mới có đà để phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 8: Giải pháp nào cho Việt Nam?
05:30, 14/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn
05:30, 13/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt
05:30, 12/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền
05:30, 11/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc
05:30, 10/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?
14:20, 09/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng
05:10, 08/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng
05:15, 07/11/2023