Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 30/05/2024 03:30

Đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát lại một số chính sách để tránh xung đột pháp luật…

>> Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế

Theo đó, để tạo đột phá cho phát triển Thủ đô Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau tiếp thu, chỉnh lý đã có những quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ.

Đặc biệt, về chính sách ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô với hệ thống pháp luật hiện hành, khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: “Trường hợp Luật, Nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong Luật, Nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

việc phải có cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô Hà Nội thành đô thị hiện đại được cho là cần thiết - Ảnh minh họa

Việc phải có cơ chế đặc thù, đột phá tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát triển Thủ đô Hà Nội thành đô thị hiện đại được cho là cần thiết - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về quy định đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc phải có cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô Hà Nội thành đô thị hiện đại là cần thiết, tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng, thận trọng các cơ chế, chính sách này để tạo sự thống nhất, tránh xung đột với quy định pháp luật khác.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là “cần thiết” cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Đồng thời đề nghị, làm rõ tính hợp Hiến của việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Bởi, việc này không phải là giải thích Luật hay giải thích Nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp 2013 về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

>> Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa

tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng, thận trọng các cơ chế, chính sách này để tạo sự thống nhất, tránh xung đột với quy định pháp luật khác - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để tạo sự thống nhất, tránh xung đột với quy định pháp luật khác, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng, thận trọng các cơ chế, chính sách đã được đề xuất - Ảnh minh họa

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các điều khoản để tránh xung đột với các quy định hiện hành.

Cụ thể, đại biểu băn khoăn về khoản 5 Điều 23 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định, HĐND TP. Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Do đó, đại biểu đề nghị, rà soát kỹ lưỡng về nội dung này để tránh xung đột với các quy định hiện hành. Đồng thời, rà soát quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh về yêu cầu đảm bảo tính khả thi và tính tương thích giữa Luật Thủ đô (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Cụ thể, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, rà soát khoản 2 để đảm bảo tính tương thích với Luật Đất đai. Vì tinh thần của Luật Đất đai tiếp cận theo nguyên tắc, ngoài trường hợp đấu thầu thì sẽ thực hiện đấu giá, do đó, cần thể hiện rõ tinh thần này của Luật Đất đai vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, liên quan đến điểm c khoản 2 Điều 24, hiện Dự thảo đang sử dụng cụm từ “chuyển đổi mục tiêu”, như vậy chưa đủ rõ ràng và dễ gây tranh cãi.

Do đó, đại biểu đề nghị, sử dụng cụm từ khác thay thế theo hướng: “chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án” để đảm bảo khả thi, rõ ràng và nhất quán thông tin.

Cùng với các vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An nhìn nhận, Dự thảo Luật (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã tiếp thu rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, tuy nhiên, vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường Thủ đô.

Theo đó, góp ý quy định tại Điều 3 và Điều 28 của Dự thảo, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định về vùng phát thải thấp và tiêu chuẩn môi trường không đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường, vì vậy, đại biểu đề nghị, trong trường hợp vẫn quy định như Dự thảo Luật (sửa đổi) cần có báo cáo về cơ sở khoa học xác định thế nào là mức phát thải thấp để đảm bảo tính khả thi trong quy định này.

Được biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 Chương và 54 Điều. Dự thảo đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vào tháng 11/2023 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV vào ngày 27/6 tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế

    Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế

    04:00, 28/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa

    Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa

    04:00, 26/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Tạo dựng các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù

    Sửa Luật Thủ đô: Tạo dựng các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù

    03:40, 17/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị

    Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị

    04:00, 13/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đưa văn hóa vào vị trí xứng đáng

    Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đưa văn hóa vào vị trí xứng đáng

    04:00, 09/04/2024

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN