Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
Đánh giá việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này vẫn cần được xem xét, cân nhắc...
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật
Theo đó, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc giao Thủ đô Hà Nội phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Điều 22 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép chính quyền TP. Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học…
Nhìn nhận về vấn đề này, đa số các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, đề xuất đã nêu phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ Nghị quyết 15-NQ/TW đã giao, tuy nhiên, quy định này cần được xem xét, cân nhắc trên nhiều khía cạnh, tránh hạn chế, bất cập khi áp dụng vào thực tiễn.
Góp ý quy định đã nêu, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, luật hóa trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục phổ thông công lập vào Luật Thủ đô sẽ thúc đẩy xu hướng mở rộng mô hình này. Trong khi đó, báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô lại chưa đánh giá được toàn diện các bất cập, vướng mắc.
Chưa kể, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trường chất lượng cao được thể hiện dưới khái niệm “cơ sở giáo dục chất lượng cao”, tuy nhiên, kèm theo đó mới là tiêu chí tuyển sinh đầu vào, còn đầu ra thì bỏ trống.
Theo đại biểu, qua thực tiễn, mô hình trường chất lượng cao đang là mối băn khoăn của nhiều cử tri Thủ đô. Chẳng hạn, mức trần học phí đối với các trường này trong năm học 2023 -2024 là 5-6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản đóng góp khác.
“Nhiều trường công lập có chất lượng đang làm đề án xin nâng lên thành trường chất lượng cao. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi học phí cao mà gia đình không có điều kiện thì biết chuyển con sang trường học nào”, đại biểu chia sẻ.
Đồng thời cho hay, nhiều trường phổ thông công lập ở Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, có nơi trên 60 học sinh/lớp. Điều này cho thấy, Hà Nội còn chưa đáp ứng được đủ trường học công lập cho yêu cầu giáo dục đại trà. Nay đầu tư nhiều cho trường chất lượng cao, học phí cao nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục.
>> Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, hệ thống trường phổ thông công lập không nên có sự phân tầng, mà trước hết phải đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng trong giáo dục. Tức là phát triển mô hình trường học hạnh phúc, không có trường chuyên, lớp chọn.
Không phủ nhận thực tế là trong xã hội có nhu cầu về giáo dục chất lượng cao, nhưng đại biểu cho rằng, việc này nên để trường tư đáp ứng.
“Tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao. Cần đánh giá tác động của mô hình này để không trái quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc về trường công. Đề nghị Hà Nội tập trung đầu tư làm trường mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em được đến trường”, đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về việc quy định cơ sở giáo dục mầm non phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, theo quy định pháp luật hiên hành, Chính phủ chưa cho phép các trường công phổ thông, mầm non thực hiện liên kết với giáo dục nước ngoài. Vì vậy, việc đưa nội dung này vào quy định của Luật cần quan tâm làm rõ các điều kiện cần thiết, cơ chế vận hành, quản lý giám sát, trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật.
“Đây là chính sách mới, cần có thí điểm và tổng kết đánh giá sâu sắc, vì vậy, cần cân nhắc việc áp dụng đối với tất cả cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập Hà Nội”, vị đại biểu này bày tỏ.
Đồng tình với quy định cho phép chính quyền TP. Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, các chính sách đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô.
“Việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết của Bộ Chính trị. Thêm vào đó, đây không phải là quy định hoàn toàn mới mà có sự tiếp nối, kế thừa khoản 3 Điều 12 của Luật Thủ đô hiện hành”, đại biểu chia sẻ.
Theo đại biểu, thực tiễn triển khai cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội đã cho thấy kết quả tốt, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, cần có định nghĩa về “chất lượng cao” bảo đảm xác định rõ; cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học,…
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị có sự rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các từ ngữ, thuật ngữ được sử dụng trong Dự thảo Luật được chính xác, nhất quán như về cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật
03:30, 30/05/2024
Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế
04:00, 28/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa
04:00, 26/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Tạo dựng các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù
03:40, 17/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị
04:00, 13/04/2024