Các ông lớn “bắt tay” làm nhà ở xã hội
Nhờ những nỗ lực giải quyết vướng mắc cho nhà ở xã hội, đến nay phân khúc này đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn.
>>> Chủ tịch HQC: Có phương án để hoàn thành 50.000 căn nhà ở xã hội
Mới đây, Tập đoàn địa ốc Hoàng Quân đã ký hợp tác chiến lược với Novaland để xây nhà ở xã hội tại các tỉnh phía Nam, mục tiêu hoàn thành 3.000 căn trong năm 2024. Dự kiến, các dự án sẽ được khai thác quỹ đất sẵn có tại một số địa phương như TP.HCM, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai…
Nhà ở xã hội thu hút đầu tư
Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Novaland chia sẻ - “Việc hợp tác lần này là dịp để các bên phát huy thế mạnh sẵn có của mình cũng như góp phần đưa giấc mơ an cư với giá thành hợp lý đến gần hơn với những người có thu nhập thấp”.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, “cuộc chơi” nhà ở xã hội gần đây đã thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn khác. Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội vào giữa tháng 3 vừa qua, ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera cũng cho biết, doanh nghiệp đã triển khai ngay việc đầu tư và đưa vào bàn giao khoảng 5.000 căn hộ nhà ở xã hội, chủ yếu ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số dự án cũng đang được triển khai loạt tại các tỉnh thành như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam… với tổng quy mô hơn 10.000 căn. Ngoài ra, Viglacera cũng có sẵn khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội có thể bàn giao với giá bán từ 8 – 10 triệu đồng/m2.
“Để có mức giá phù hợp như trên, doanh nghiệp đã tối ưu hoá các giải pháp thiết kế và tận dụng ưu thế là một trong những đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng quy mô hàng đầu Việt Nam”, ông Ngọc Anh cho biết.
Hay như Công ty Vinhomes của Tập đoàn VinGroup đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội tại khu vực Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Trị và Khánh Hoà; dự kiến bổ sung hơn 10.000 căn hộ cho các địa phương.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, có thể thấy ngay trong báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay nhiều tỉnh, thành đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với 8.600ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Việc nhiều ông lớn ngành địa ốc tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội là một tín hiệu tích cực cho phân khúc vốn còn nhiều rào cản trước đó.
Một trong những rào cản khiến doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư chính là những hạn chế trong điều kiện mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, giới hạn về đối tượng hưởng lợi hay mức lợi nhuận cho chủ đầu tư chưa tương xứng cũng ngăn cản sự quan tâm vào loại hình này.
Như ông Trần Ngọc Anh chia sẻ tại hội nghị giữa tháng 3 vừa qua: “Cần sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội".
Không chỉ vậy, theo Bộ Xây dựng, việc giải ngân vốn ưu đãi còn chậm cũng hạn chế sự phát triển của thị trường này. Theo đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội cũng mới chỉ giải ngân được 1% trong thời gian qua, bởi lãi suất cho vay cao và thời hạn ngắn.
Để khắc phục những khó khăn đó, thời gian qua Chính phủ cùng các bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp. Đáng chú ý, Luật Nhà ở 2023 đã bãi bỏ những quy định cũ gây rào cản, đồng thời bổ sung nhiều quy định về cơ chế ưu đãi cho chù đầu tư dự án nhà ở xã hội. Từ đó, góp phần tăng nguồn cung cho phân khúc này, nhất là thúc đẩy việc triển khai thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân chia sẻ, những quy định mới của Luật Nhà ở là cú huých rất quan trọng không chỉ với chủ đầu tư, các đối tượng thuê nhà, mà còn cho cả thị trường bất động sản. Hiện nay, ngoài các thành phố lớn nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước… cũng đang rất tích cực trong việc quy hoạch để dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong cuối tháng 4, Bộ đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi . Một số đã được cắt giảm như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, giúp chủ đầu tư sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
"Trong thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giải ngân gói hỗ trợ này sẽ đạt kết quả tốt hơn" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm