Cắt giảm thủ tục hành chính: Cần báo cáo, đánh giá độc lập
Đánh giá cao công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thời gian qua, tuy nhiên, để đảm bảo công tác này đi vào thực chất, nhiều ý kiến cho rằng, cần có báo cáo, đánh giá độc lập...
>> Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính: Kỳ vọng từ Chỉ thị số 16/CT-TTg
Theo đó, báo cáo của Chính phủ về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 145 quy định kinh doanh; phân cấp giải quyết 61 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 179 thủ tục, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm từ năm 2021 đến nay là 2.866 quy định kinh doanh; phân cấp 206 thủ tục hành chính; đơn giản hóa 763 thủ tục, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tất cả các bộ, ngành đã công bố tổng số 645 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước.
Mặc dù đã ghi nhận những kết quả tích cực thời gian qua, thế nhưng, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhất định.
Cụ thể, dẫn số liệu từ Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2023, không ít ý kiến cho rằng, các vướng mắc về thủ tục hành chính, quy định kinh doanh của doanh nghiệp ít được phản ánh trong đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành.
Đặc biệt, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, gần 73% doanh nghiệp cho biết, phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ năm 2022 là 42,9 %.
Và từ thực tế đã nêu, một số ý kiến đề xuất, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa, không chỉ là cắt bỏ một vài giấy tờ hay một vài ngày trong thời hạn thủ tục hành chính mà phải cắt giảm những thủ tục không cần thiết. Đồng thời, thực hiện đồng bộ những giải pháp Chính phủ đã đề ra trong báo cáo cũng như kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt.
>> Cắt giảm thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, hiện nay các báo cáo, đánh giá thường dựa vào báo cáo của các bộ, ngành.
Do vậy, đại biểu kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội khi thực hiện giám sát cần đánh giá, báo cáo độc lập mới đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Việc này để Quốc hội nghiên cứu thảo luận và giám sát có chất lượng hơn, nhất là đối với các lĩnh vực cần phải thực hiện cải cách để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.
Đại biểu cho rằng, từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện cắt giảm 2.866 quyết định kinh doanh, phân cấp 206 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 763 thủ tục hành chính. Đồng thời, rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết để phục vụ người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Chính phủ và kiến nghị của cử tri vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
Một vấn đề được đặt ra là, vì sao thời gian qua, Chính phủ và các địa phương liên tục muốn có cơ chế đặc thù, từ đặc thù cho các công trình giao thông đường bộ đến các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, các địa phương đều xin cơ chế đặc thù về đầu tư, xây dựng, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, biên chế bộ máy của chính quyền đô thị…
Từ đó đại biểu này kiến nghị, trong năm 2025, Quốc hội cần tổ chức các phiên giải trình liên quan thủ tục hành chính và giám sát các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp, địa phương đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, mắc dù cơ bản thống nhất với các giải pháp, phương hướng của Chính phủ đề ra đối với công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thời gian qua, tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn địa biểu Quốc hội tỉnh Long An cũng kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về cho phép, cấp phép các chứng chỉ hành nghề. Cùng với đó, tạo cơ chế pháp lý tốt để địa phương, đơn vị được phân cấp, giao nhiệm vụ chủ động phát huy nội lực, tài lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật song song với thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất cho xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số, đại biểu đề nghị, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương phải xác định theo nguyên tắc đồng bộ, tích hợp và chia sẻ được với nhau. Các dữ liệu cũng phải được cập nhật kịp thời, liên tục.
Được biết, trong bối cảnh thủ tục hành chính vẫn là “điểm nghẽn” gây khó khăn, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp, ngày 20/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tập trung xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính: Kỳ vọng từ Chỉ thị số 16/CT-TTg
04:00, 25/05/2024
Cắt giảm thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
03:00, 22/05/2024
Nền tảng từ cắt giảm thủ tục hành chính
15:47, 12/04/2024
Cân nhắc cắt giảm thủ tục hành chính về PCCC theo phương án đơn giản hoá
03:20, 17/06/2023
Dự thảo Phương án cắt giảm thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp vẫn tạo rào cản
03:30, 20/09/2022