Rủi ro từ đà trượt giá đồng nhân dân tệ
Lần đầu tiên trong 8 năm gần đây, đồng nhân dân tệ giảm về mức kịch sàn, điều đó cho thấy áp lực bán ra rất lớn.
>>Nỗi ám ảnh lớn dần với đồng đô la Mỹ
Vài năm trở lại đây, xu hướng phi đô la hóa được nhắc đến rất nhiều. Song, thực tế đang diễn biến ngược lại, “đồng bạc xanh” không ngừng củng cố địa vị thống trị, là phương tiện cất trữ, trú ẩn được săn đón nhất hiện nay.
Ngày càng nhiều nhà quản lý dự trữ ngoại hối toàn cầu có kế hoạch tăng cường nắm giữ đồng đô la Mỹ có lãi suất cao khi mối quan tâm của họ đối với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm đi do căng thẳng địa chính trị.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát do một tổ chức tư vấn thực hiện và công bố hôm thứ Ba tuần này đã thách thức - ít nhất là trong ngắn hạn - xu hướng phi đô la hóa khi nhiều quốc gia sẽ đa dạng hóa khỏi đồng tiền Mỹ.
Gần 20% các nhà quản lý dự trữ được khảo sát cho biết họ có ý định tăng cường nắm giữ đồng đô la Mỹ trong 12-24 tháng tới, nhiều hơn bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Ngược lại, nhu cầu về nhân dân tệ của Trung Quốc lại sụt giảm.
Vào năm 2023, chỉ 3% các nhà quản lý dự trữ cho biết họ có ý định giảm tỷ lệ nắm giữ đồng nhân dân tệ, trong khi không có ai làm như vậy vào năm 2022 và 2021. Rất nhiều nhà quản lý dự trữ coi tính minh bạch của thị trường và địa chính trị là một số trở ngại.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các ngân hàng trung ương có kế hoạch tiếp tục tăng cường đầu tư vào vàng, một xu hướng đã giúp kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Khoảng 15% số người được hỏi mong đợi sẽ tăng cường đầu tư vào vàng trong năm nay. Nếu điều này xảy ra, OMFIF tính toán, điều này có nghĩa là sẽ có thêm 600 tỷ USD dự trữ bằng vàng trong những năm tới.
Lần đầu tiên trong 8 năm gần đây, đồng nhân dân tệ giảm về mức kịch sàn, điều đó cho thấy áp lực bán ra rất lớn. Khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - hiện đang ở mức gần 4,6%, và lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc cùng kỳ hạn hiện đang ở mức chỉ 2,3%, thì tâm lý lạnh nhạt với nhân dân tệ là điều dễ hiểu.
Tỷ giá hiện nay là 7,24 nhân dân tệ đổi được 1USD, đồng tiền Trung Quốc đã mất khoảng 4,8% giá trị so với hồi đầu năm 2023, hướng tới mức thấp nhất trong 15 năm được thiết lập vào tháng 11/2022.
Một nhà giao dịch tiền tệ tại một ngân hàng thương mại quốc doanh ở Trung Quốc cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang cân nhắc cách giải phóng áp lực thị trường dồn nén lên đồng nhân dân tệ, chẳng hạn bằng cách cho phép tỷ giá tham chiếu giảm dần. Các nhà giao dịch của công ty Citic Securities tin rằng PBoC có thể dần giảm tỷ giá tham chiếu xuống mức 7,11-7,12 nhân dân tệ/USD trong những tuần tới, đồng thời tránh mọi chuyển động mạnh.
>>"Hé lộ" kết cục bi thảm của làn sóng phi đô la hoá
Nền kinh tế Trung Quốc đang tồn tại nhiều rủi ro lớn, trong đó có việc tăng trưởng chậm lại, đầu tư và tiêu dùng giảm, khối nợ ở mức cao… ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp, cũng như giới đầu tư đại lục nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Giới chuyên gia cho rằng, rất có thể Trung Quốc một lần nữa sẽ phá giá đồng nhân dân tệ. So với bối cảnh năm 2015, rất nhiều điểm tương đồng ở 3 khía cạnh: Nền kinh tế đang chững lại, xuất khẩu yếu, hàng hóa chịu mức thuế cao tại Mỹ.
Nếu đồng nhân tệ tiếp tục trượt giá, nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Xét tổng quát, hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ hơn, làm cho xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt. Ngược lại, hàng hóa các nước xuất vào thị trường Trung Quốc sẽ có giá trị cao hơn, nghĩa là lối vào cho hàng hóa nước ngoài vào Trung Quốc bị thu hẹp và gặp khó khăn.
Trong nhóm này, ASEAN chịu ảnh hưởng nặng, cụ thể các quốc gia có tỷ trọng nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Qúy 1/2024, Việt Nam nhập siêu 17,4 tỷ USD từ Trung Quốc. Tính từ năm 2022, mỗi năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 60 tỷ USD, gấp đôi so với thời điểm 2015.
Khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, Việt Nam có thể cũng sẽ phải điều chỉnh tỷ giá, tác động trực tiếp đến nợ công quốc gia. Theo tính toán, mức độ phá giá đồng tiền tỷ lệ thuận với nợ công, phá giá đồng tiền 1% thì nợ công tăng 1%, phá giá 5% thì nợ công tăng 5%.
Có thể bạn quan tâm