Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi của chính sách
Đánh giá cao các quy định về chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc để đảm bảo tính khả thi…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
Theo đó, so với Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra được cho đã có những hoàn thiện đáng kể, bổ sung và cụ thể hoá nhiều nội dung quan trọng, trong đó, có các quy định về chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được bổ sung tại các Điều từ 23 – 25 của Dự thảo.
Nhìn nhận về nội dung này, một số ý kiến cho hay, việc bổ sung các chính sách như vậy là cần thiết nhằm tạo lập cơ sở pháp lý phát huy vai trò tiên phong của Thủ đô trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cũng cần xem xét lại một số nội dung để đảm bảo tính khả thi.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành doanh nghiệp với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức (Điều 23) nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế xã hội.
Qua đó hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô. Chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, sự phát triển và mở rộng ngày càng nhanh quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, để bảo bảo tính khả thi của chính sách, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
Bên cạnh vấn đề này, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi cũng còn một số băn khoăn về việc luật hóa, bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 của Dự thảo, như:
Thứ nhất, về phạm vi đối tượng được thử nghiệm: cần cân nhắc kỹ hơn quy định giới hạn về các lĩnh vực được phép thử nghiệm theo cách liệt kê cụ thể trong dự thảo Luật và về không gian thử nghiệm (quy định chỉ thử nghiệm trong khu công nghệ cao). Bởi, thực tế phát triển như hiện nay của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy định như vậy sẽ nhanh chóng bị lạc hậu.
Thứ hai, về quy định HĐND có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, các bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm, phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm (tại khoản 5 Điều 25), quy định này là cần thiết để tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, nhưng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND TP. Hà Nội trong việc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan về kết quả và quá trình thực hiện.
“Vì vậy, các nội dung trên cần nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp”, đại biểu Tạ Đình Thi góp ý.
Cũng liên quan đến các cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bày tỏ tán thành với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của Dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 giúp cho khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thế để phát triển.
Đặc biệt là hai nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của TP. Hà Nội hỗ trợ khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và nhóm các quy định về vị trí pháp lý về Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và các quy định về phân quyền của thành phố cho Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc trực tiếp thực hiện một số thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng,…
Góp ý Dự thảo, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng cho rằng, không thể áp dụng các cơ chế quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc như cơ chế quản lý với các khu công nghiệp đang được xây dựng tại Luật Đất đai (sửa đổi) mà cần đưa ra cơ chế riêng cho khu công nghệ cao này trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
03:20, 02/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
03:30, 31/05/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật
03:30, 30/05/2024
Có những ưu điểm vượt trội của Luật Thủ đô 2012 bị “bỏ lỡ”
17:56, 28/05/2024
Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế
04:00, 28/04/2024