Đồng bộ chính sách để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

YẾN NHUNG 05/06/2024 09:27

Nhận được sự quan tâm của các đại biểu, nhiều ý kiến đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

>> Nâng tầm về chất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Sáng 5/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương.

Tại phiên chất vấn, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu chương trình và giải pháp của Bộ từ nay đến năm 2025 để đạt được mục tiêu đáp ứng 65 % nhu cầu sản xuất nội địa?

đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã tập trung vào 03 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ cho dệt may; công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghệ cao. Sau 06 năm triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu cần đạt được là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Tuy nhiên một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng, các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng đạt mục tiêu chưa cao…

“Một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu đề ra là do nguồn lực đầu tư hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế, khó tiếp cận; chính sách thu hút FDI chưa khuyến khích được sự liên kết, ràng buộc được các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí thu hút đầu tư là rất khó bởi vì vốn lớn nhưng thị trường hẹp, chúng ta lại là nước đi sau nên khả năng cạnh tranh với thị trường nước ngoài là khó khăn; phối hợp thực hiện chính sách giữa các bên chưa thật tốt”, Bộ trưởng cho biết

Đưa ra giải pháp cho thời gian tới, theo Bộ trưởng, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; tăng cường phân bổ nguồn lực từ trung ương và địa phương; bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; đào tạo nhân lực chất lượng cao…

>> Công nghiệp hỗ trợ cần “trợ lực” từ cơ chế, chính sách

Liên quan đến vấn đề này, chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất. Tuy nhiên, năm vừa qua, sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm khá nghiêm trọng về doanh thu, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra và hiện nay đang gặp hai nút thắt rất lớn về vốn và chi phí. Trong khi đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này cũng như giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ các doanh nghiệp?

đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều là có kinh nghiệm đạt được tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cũng như về môi trường. Trong khi doanh nghiệp ở trong nước mặc dù có cơ chế nhưng chưa thể tiếp cận được những tiêu chuẩn như trên.

“Vì thế, để nâng cao năng lực cho công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ở trong nước phát triển thì chúng ta phải rà soát lại hệ thống pháp luật để khi những chính sách được ban hành phải đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và các điều kiện khác. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để các doanh nghiệp FDI phải có sự ràng buộc, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhằm từng bước nội địa hóa sản phẩm ở trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ

    Khơi nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ

    15:43, 21/05/2024

  • Nâng tầm về chất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

    Nâng tầm về chất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

    03:50, 16/05/2024

  • Công nghiệp hỗ trợ cần “trợ lực” từ cơ chế, chính sách

    Công nghiệp hỗ trợ cần “trợ lực” từ cơ chế, chính sách

    03:00, 20/12/2023

  • Để doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá

    Để doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá

    00:30, 04/10/2023

  • Quảng Nam muốn lậpp/trung tâm công nghiệp hỗ trợ

    Quảng Nam muốn lập trung tâm công nghiệp hỗ trợ

    14:45, 06/10/2023

YẾN NHUNG