Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đang phải đối diện với hàng loạt thách thức mới…
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp. Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa,… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Theo đánh giá từ giới chuyên gia, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã được cải thiện rất đáng kể trong những năm gần đây.
>>Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Vẫn khó tiếp cận nguồn vốn
Tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục cho thấy nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, nhiều tiêu chuẩn và quy định mới được dựng lên liên quan đến chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường mà sản phẩm phụ trợ của Việt Nam hướng đến. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, làm gia tăng đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đối diện với khó khăn, thách thức khi thị trường bị thu hẹp, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng kéo theo chi phí sản xuất và áp lực cạnh tranh ở mức cao…
Liên quan tới những khó khăn đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết, các doanh nghiệp trong hiệp hội gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, theo ông Vân, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp khó vay vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
Điều này có thể lý giải là do doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả nợ hết các khoản đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn trước đó. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên đối với doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ vô cùng khó khăn.
“Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Vân chia sẻ.
Đưa ra kiến nghị để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng là sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội ban hành. Theo ông Vân, đây sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công hơn.
Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
“Cần có giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...); quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý”, ông Nguyễn Vân kiến nghị.
>>Cần sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ
Kỳ vọng khi sửa Nghị định 111
Dưới góc nhìn từ cơ quan quản lý, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành từ năm 2015. Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều khó khăn, khi quan điểm của các Bộ, ngành trong nhìn nhận những vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp đang còn khác nhau.
Cụ thể, bên cạnh việc mở rộng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phù hợp với xu thế hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP đưa ra một điểm mà Bộ Công Thương đánh giá là cốt lõi của việc sửa đổi, đó là cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng có lo ngại rằng chính sách này được ban hành sẽ có thể giống một số chương trình hiện nay đang được áp dụng chính sách tương tự nhưng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết thêm, Nghị định 111/2015/NĐ-CP hướng đến là các doanh nghiệp sản xuất. Việc nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi.
“Bộ Công Thương vẫn kiên quyết và kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất”, ông Tuấn Anh thông tin.
Có thể bạn quan tâm