Sửa luật thuế thu nhập cá nhân: Hài hòa lợi ích, khuyến khích đối tượng thu
Thuế TNCN hiện nay không theo kịp với thực tiễn cuộc sống, đã bị lỗi thời và đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh hiện không theo kịp với trượt giá.
>>>Rủi ro lạm phát trước áp lực tỷ giá
LTS: Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - Người dân, góp phần tăng thu hút nhân lực lao động chất lượng, tăng nguồn thu?
Chuyên gia Thuế Nguyễn Văn Được - Trưởng ban Chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM (HTCAA), TGĐ Cty Kế toán Và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng pháp luật thuế TNCN hiện nay thực sự có độ trễ hơn so với đời sống thực tiễn.
Quy định cứng nhắc, bất cập thì phải sửa
- Hiện đang có nhiều kiến nghị về việc cần sớm đưa nội dung sửa Luật thuế TNCN vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Ông có quan điểm gì về vấn đề này, thưa chuyên gia?
Người nộp thuế phản ánh là thuế TNCN hiện nay không theo kịp với thực tiễn cuộc sống, đã bị lỗi thời và đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh hiện không theo kịp với đời sống kinh tế cũng như là mức lạm phát nói chung, đang thấp so với mức trượt giá.
Ở góc độ làm nghề, tôi cho rằng pháp luật thuế TNCN hiện nay thực sự có độ trễ hơn so với đời sống thực tiễn. Điều này xuất phát từ quy định Luật chỉ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 20% và Bộ Tài chính khi đó mới trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa Luật. Quy định này cứng nhắc, bất cập, không theo kịp sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hội cũng như chỉ số CPI. Bộ Tài chính cần xem xét, cân đo đong đếm tính toán lại các chỉ số về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng như người phụ thuộc làm sao tương xứng với lạm phát tăng theo. Việc tính toán sửa Luật cần sớm hơn so với kỳ hạn để đảm bảo người nộp thuế tránh bị thiệt hại cũng như giúp cho người dân có tính đồng thuận cao trong quá trình tự nguyện nộp thuế.
>>>Vì đâu thuế thu nhập cá nhân tiếp tục “nóng” nghị trường Quốc hội?
- Các yếu tố tác động lạm phát, thu nhập so với mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN áp dụng chung cho mọi đối tượng hiện có được xem là “cào bằng”, thưa ông?
Quy định như vậy không có tính cào bằng. Do người lao động ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương khác, thậm chí là hiện nay chúng ta mở cửa thị trường, người lao động có thể di cư, làm việc ở các nơi trên thế giới, nên không thể nào quyết toán thuế TNCN tại nơi làm việc cố định hoặc về địa phương nơi thường trú.
Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần thiết được xây dựng lại theo đối tượng bản chất của giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, người có thu nhập cao thì phải có chi phí cao hơn, với mức trần giới hạn di động, không chặn trần. Và đảm bảo nguyên tắc đánh thuế là người có thu nhập cao thì phải đóng thuế nhiều.
Đối với người phụ thuộc, phải xem xét thêm một số yếu tố mà người nộp thuế phải chi ra cho người phụ thuộc để đảm bảo tính công bằng nhiều hơn so với phương án căn cứ trên mức lương tối thiểu vùng.
Trên thế giới, một số quốc gia cũng xây dựng chi phí của người được giảm trừ gia cảnh tương ứng theo thu nhập, chẳng hạn như Mỹ, Thái Lan… nhưng họ cũng khống chế mức trần. Họ tính toán chi phí tương ứng đối tượng người phụ thuộc cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn.
6 đề xuất sửa Luật
- Ông có nhìn nhận gì về bậc của biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời nới khoảng cách ở các bậc thuế; cũng như quy định trần thuế 35%?
Bỏ bớt và giãn bậc thuế, lấy thuế của đối tượng có thu nhập cao để bù đắp thiếu hụt, hỗ trợ người có thu nhập khá, trung bình là xu hướng chung. Tôi cho rằng quy định này là phù hợp thông lệ chung của các quốc gia cũng như bối cảnh cải cách về cơ sở thu thuế.
Với mức trần đóng thuế 35% theo lũy tiến, chúng ta hiện đang thấp hoặc cao hơn tùy so với một số quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên nếu Việt Nam bỏ được bậc thuế 35% là điều tốt nhất, để tăng cạnh tranh trên thị trường lao động. So sánh với một số quốc gia có quy định thuế gần cùng những điều kiện lao động khá tương đương, giả định nếu ta áp 30%, trong khi Singapore 35% hay Nhật Bản 40%, tất yếu người lao động sẽ có xu hướng chọn Việt Nam để đóng thuế.
Hiện nay Việt Nam có lực lượng người lao động nước ngoài đông đảo. Họ thường có xu hướng cơ cấu chọn nơi đánh thuế thấp để đóng thuế. Như vậy nếu chúng ta có mức đánh thuế thấp hơn, sẽ thu hút được họ cơ cấu chọn đóng thuế tại thị trường Việt Nam. Chúng ta mất 5% trên thu thuế thu nhập nhưng có khối lượng, đối tượng đông đảo đóng thuế tại Việt Nam, tránh tình trạng lao động tại Việt Nam chuyển thu nhập về quốc gia của họ để đóng thuế. Điều chỉnh như vậy sẽ được nhiều hơn mất, giúp thị trường lao động Việt Nam có thêm nhiều chuyên gia chất lượng, tăng nguồn thu, thậm chí có thể mang thu nhập của người lao động từ quốc gia khác về Việt Nam để đóng.
- Vậy, theo ông những nội dung gì cần ưu tiên sửa đổi, bổ sung trong Luật này ?
Thứ nhất, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay với chỉ 11 triệu đồng với cá nhân và 4,4 triệu với người phụ thuộc, bởi vì đã có sự thay đổi về CPI, và chỉ tiêu kinh tế xã hội để xây dựng Luật thuế từ 2009 đã thay đổi.
Thứ hai, cần sửa quy định chỉ số CPI tăng 20% thì Chính phủ mới trình ra Quốc hội sửa Luật mà xây dựng mức này trong khoảng 5-10%. Cùng với đó, nên giao cho Chính phủ chủ động xây dựng mức tính giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại từng thời điểm. Khi đó, chính sách sẽ được thay đổi linh hoạt, nhanh, phù hợp thực tiễn hơn.
Thứ ba, cần giãn từng bậc thuế, nới rộng bậc 1-2; thu hẹp bậc cao hơn; đồng thời bỏ mức thuế suất 35%.
Thứ tư, cần phải xây dựng Luật thuế trên cơ sở đánh thuế đúng bản chất kinh tế. Ví dụ, cùng 1 công việc lao động nhưng nếu đăng ký kinh doanh thì đóng thuế đăng kí kinh doanh; hoặc nếu không thì đăng ký tiền lương tiền công - là điều bất hợp lý. Chúng ta cần thống nhất lại với bản chất kinh tế như nhau thì nghĩa vụ thuế phải như nhau.
Thứ năm, cần thực hiện nguyên tắc đánh thuế trên thu nhập - tức là thuế trên doanh thu trừ chi phí. Theo đó, xây dựng lại phương pháp tính thuế.
Cuối cùng, phải tuân thủ nguyên tắc chi phí được trừ. Có nghĩa người lao động chi ra khoản nào để thực hiện tạo thu nhập thì phải trừ chi phí đó. Hiện nay chúng ta đang xây dựng kiểm soát thu nhập bằng kiểm soát qua hệ thống hóa đơn điện tử, dòng tiền qua tài khoản ngân hàng - việc kiểm soát nguồn thu và chi phí sát hơn. Vì vậy cần áp dụng nguyên tắc chi phí được trừ để đảm bảo hài hòa, đúng nguyên tắc đánh thuế theo thông lệ chung.
Trân trọng cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm