Cấp thiết sửa Luật Thuế TNCN để người dân đỡ mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”

GIA NGUYỄN 09/01/2023 04:00

Xung quanh câu chuyện về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này hiện nay đã không còn phù hợp với diễn biến của kinh tế xã hội, cần xem xét để sửa đổi ngay trong năm 2023…

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đừng để nối dài bài ca… “lạc hậu”

Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỷ đồng (đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021), như vậy, so với mức dự toán đề ra vào đầu năm, thuế thu nhập cá nhân năm 2022 đã thu vượt 48.658 tỷ đồng. Tính tổng thể trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022.

Chính sách về thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã không còn… phù hợp - Ảnh minh họa:

Chính sách về thuế thu nhập cá nhân hiện nay được cho đã không còn phù hợp - Ảnh minh họa: CAND

Số thu thuế thu nhập cá nhân gia tăng qua các năm đến từ việc cơ quan thuế khai thác các nguồn thu như thương mại điện tử, bất động sản, chứng khoán… Thế nhưng, người làm công ăn lương vẫn đóng góp hơn 70% trong tổng thu. Đáng nói, nhiều ý kiến cho rằng, bất cập là mức giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời theo tốc độ tăng thu nhập góp phần làm số thu thuế tăng lên.

Thực tế, so với năm 2013, Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng gấp đôi, lên 4,68 triệu đồng/người/tháng (vùng 1) vào ngày 01/7/2022 nhưng mức giảm trừ gia cảnh có tốc độ điều chỉnh trong 10 năm qua chỉ tăng 22,2%.

Thông tin với báo chí, Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang nhận định, mức giảm trừ gia cảnh thời gian qua không phù hợp với tốc độ tăng thu nhập của người làm công ăn lương, cũng như biến động về giá cả hàng hóa dịch vụ. Phần chi tiêu của người dân ngày càng tăng lên nhưng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, chỉ số CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nên mới dẫn đến cảnh mức này luôn lạc hậu. Theo kế hoạch điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân, đến năm 2025 thì sắc thuế này mới được sửa đổi, điều này sẽ càng gây thiệt thòi cho người nộp thuế, nhất là người làm công ăn lương.

“Do vậy, năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh tương đương 4 lần lương tối thiểu thì nay mức này phải vào khoảng 19 triệu đồng/người/tháng, còn không ít nhất cũng 15 triệu đồng/người/tháng”, ông Xoa đề xuất.

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần bắt đầu từ "tư duy… đánh thuế"

Chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế - Ảnh minh họa: Internet

Chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế - Ảnh minh họa: Internet

Xoay quanh vấn đề đã nêu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, số thuế thu nhập cá nhân cả năm 2022 tăng cao cũng là điều phấn khởi, cho thấy dù trong tình hình kinh tế vẫn có nhiều khó khăn, nhiều lao động bị nghỉ việc thì cũng có nhiều người thu nhập gia tăng. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đã dần có nhiều thay đổi để tạo thuận lợi cho người nộp thuế như nộp qua điện thoại di động, qua mạng…

“Tuy nhiên, các chính sách về thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã không còn phù hợp với diễn biến của kinh tế xã hội. Chính vì vậy, ngay trong năm 2023 Bộ Tài chính cần xem xét để sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo đời sống của người dân được nâng cao hơn.

Đó là việc nâng ngưỡng giảm trừ gia cảnh của người chịu thuế và nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc. Đồng thời, một số quy định chưa hợp lý cần phải bỏ hoặc phải sửa đổi theo hướng tăng lên như thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng/lần phải đóng thuế. Hay như quy định thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là người phụ thuộc là đã lạc hậu so với chuẩn hộ có mức sống trung bình của cả nước...”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.

Trước đó, liên quan đến vấn đề thuế thu nhập cá nhân, nhiều ý kiến cũng cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã không còn phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân kịp thời hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp nhiều khó khăn, góp phần hiện thực hóa quan điểm nhất quán của Chính phủ là “người dân là trên hết, trước hết”.

Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá lạc hậu so với biến động giá cả hiện nay bởi trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần), tuy nhiên, mức miễn trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người dân có thể đỡ chật vật hơn với mối lo “cơm, áo, gạo, tiền” thường trực.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đừng để nối dài bài ca… “lạc hậu”

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đừng để nối dài bài ca… “lạc hậu”

    05:30, 13/12/2022

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần bắt đầu từ

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần bắt đầu từ "tư duy… đánh thuế"

    04:00, 12/12/2022

  • Thuế thu nhập cá nhân - Cần cho phép khấu trừ chi phí hợp lý

    Thuế thu nhập cá nhân - Cần cho phép khấu trừ chi phí hợp lý

    03:50, 07/12/2022

  • Thuế thu nhập cá nhân – Không thể mãi cào bằng mức sống

    Thuế thu nhập cá nhân – Không thể mãi cào bằng mức sống

    04:00, 06/12/2022

  • Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh

    Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh

    06:44, 02/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cấp thiết sửa Luật Thuế TNCN để người dân đỡ mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO