Hạn chế rút BHXH một lần - Vẫn chờ một phương án tối ưu
Mặc dù cơ quan soạn thảo đã đưa ra 2 phương án để lựa chọn nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, thế nhưng, các đề xuất này vẫn còn đó không ít băn khoăn và chưa thể thống nhất...
>> Hạn chế rút BHXH một lần - Thêm quyền lợi để giữ chân người lao động
Theo đó, yêu cầu đặt ra khi xây dựng các phương án về bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phải bảo đảm mục tiêu kép – vừa giảm tình trạng hưởng BHXH một lần để thể chế hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH; vừa hài hòa quyền lợi của người lao động phù hợp thực tế hiện nay.
Trước đòi hỏi đã nêu, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đã trình Quốc hội 2 phương án.
Phương án 1 - Người lao động được chia làm hai nhóm, gồm: Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13). Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.
Phương án 2 - Người lao động được giải quyết một phần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Nhìn nhận về các phương án đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cả 2 phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa phải là những phương án tối ưu vì chưa giải quyết được triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao.
>> Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc
Thực tế, nhìn nhận về 2 phương án được đề xuất, cơ quan soạn thảo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận, phương án 1 khắc phục được thực trạng người lao động rút BHXH một lần nhiều lần. Tuy nhiên, phương án này có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.
Với phương án 2, dù không có sự khác nhau giữa người tham gia BHXH trước và sau khi luật mới có hiệu lực. Người lao động hưởng BHXH một lần nhưng vẫn bảo lưu được một phần thời gian đóng, khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối để hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, việc quy định chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng có thể gặp phải nhiều phản ứng của người lao động, có thể tăng đột biến số người đề nghị rút BHXH một lần trước khi luật mới có hiệu lực thi hành. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do nó tác động đến tất cả người lao động, cả những người hiện nay đang tham gia và sẽ tham gia sau thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.
Ngoài ra, phương án này cũng không giải quyết triệt để được việc rút BHXH một lần và thực trạng người lao động nhiều lần rút BHXH một lần. Nếu thực hiện phương án này thì sau đó vẫn phải tiếp tục sửa đổi quy định để tiến tới phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ chung và đúng bản chất, mục tiêu của chế độ hưu trí.
“Cả hai phương án đều phải chấp nhận lát cắt nhất định, song về mặt xã hội cần ưu tiên phương án nào giảm thiểu sự phản ứng của người lao động”, cơ quan soạn thảo nhìn nhận.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến đề xuất, nên cân nhắc tích hợp cả 2 phương án Dự thảo Luật (sửa đổi) đã đề xuất hoặc xây dựng thêm một phương án mới.
Góp ý nội dung này, phân tích ưu và nhược điểm, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, để phát huy tối đa ưu điểm, hạn chế tối đa điểm nhược điểm của 2 phương án, nên cân nhắc phương án thứ 3, tích hợp phương án 2 và phương án 1.
Theo đại biểu, phương án 1 chia ra 2 nhóm, nhóm 1 là những người đang và đã đóng BHXH trước khi luật có hiệu lực thì được rút BHXH một lần; nhóm 2 bắt đầu đóng từ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thì được rút BHXH một phần (có thể 50% hoặc được rút phần mà mình đã đóng).
Còn theo Hội đồng dân tộc của Quốc hội, một số thành viên đề nghị quy định phương án rút BHXH một lần theo hướng. Người lao động có quyền rút BHXH một lần đối với khoản mình đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng được xem là nguồn đóng của Nhà nước cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí. Người lao động chỉ được hưởng khoản người sử dụng lao động đóng khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí. Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng.
“Việc cho phép người lao động rút BHXH như trên tạo tâm lý “luôn có lợi” cho người lao động. Trong khi Nhà nước đạt được mục tiêu hạn chế việc rút BHXH một lần để đảm bảo chế độ hưu trí cho người lao động, việc quy định như trên sẽ có tính thuyết phục hơn đối với người lao động và họ sẽ cân nhắc việc rút BHXH một lần…”, Hội đồng dân tộc chia sẻ.
Được biết, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra và quy định về chính sách hạn chế rút BHXH một lần nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Hạn chế rút BHXH một lần - Thêm quyền lợi để giữ chân người lao động
04:00, 01/05/2024
Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc
04:00, 08/04/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải
04:00, 03/04/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?
03:30, 22/11/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập
04:00, 30/09/2023