Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc ban hành trong khung thời gian phù hợp
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất một cách hiệu quả, bền vững, nhiều ý kiến đề xuất, lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)…
>> Cần thiết thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) các Dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến gồm có: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tán thành với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi các Dự án Luật đã nêu, thế nhưng, liên quan đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), không ít ý kiến đề xuất, Quốc hội xem xét một khung thời gian phù hợp cho việc sửa đổi luật này, cân nhắc không ban hành Luật trước năm 2027. Bởi, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp cần một môi trường thuế ổn định và có thể dự đoán để lập kế hoạch hoạt động kinh doanh và thực hiện các chiến lược phục hồi sản xuất một cách hiệu quả, bền vững.
Thực tế cho thấy, trong năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam mặc dù đạt 5,05% nhưng cũng đã không đạt được mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đã đề ra. Các ngành trọng điểm như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vốn là trụ cột của nền kinh tế, đã có tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự tính.
Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy lạc quan đã ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, phản ánh rõ nét nền kinh tế mở giao thoa chặt chẽ với các xu hướng, biến động trên toàn cầu. Những yếu tố này đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp trong nước.
>> Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần một hành lang pháp lý đồng bộ
Đáng nói, trong quý đầu tiên của năm 2024, đã có 73,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước), trung bình mỗi tháng, gần 24,7 nghìn doanh nghiệp đã phải chấm dứt hoạt động.
Và kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 45,71% các doanh nghiệp ngành chế biến và chế tạo cho biết điều kiện kinh doanh khó khăn hơn so với quý IV năm 2023.
Từ thực tế đã nêu, đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được cho là phù hợp với các mục tiêu rộng lớn hơn về kích cầu tiêu dùng, tạo việc làm và thúc đẩy sự ổn định kinh doanh, cuối cùng là đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Nhìn nhận về đề xuất này, thông tin với báo chí, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vài năm đang chậm lại, thậm chí tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng đi xuống.
Điều này tác động đến giá trị, doanh thu, lợi nhuận, các chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp, nó còn là chỉ báo không mấy tích cực khi cả những doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn. Điều đáng nói, xu hướng rút khỏi thị trường của doanh nghiệp nhanh hơn tốc độ gia nhập. Tức là, số doanh nghiệp đóng cửa hiện nay không còn được hiểu là theo quy luật thị trường (đào thải tự nhiên), mà đang thể hiện việc họ không nhìn thấy cơ hội kinh doanh.
Do vậy, TS Nguyễn Minh Thảo ủng hộ đề xuất lùi thời gian sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo vị chuyên gia này, hiện các chương trình của Chính phủ đều hướng đến việc giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt lại sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng và tăng thuế, điều này là chưa hợp lý và đi ngược với các chủ trương hiện nay.
“Dù việc sửa đổi này là theo lộ trình, tuy nhiên, cần xem xét đến từng bối cảnh về tính phù hợp. Việc này để không xảy ra tình trạng khi ban hành rồi lại phải gỡ vướng… thêm phức tạp”, TS Nguyễn Minh Thảo bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời điểm này lùi là phù hợp. Bởi lẽ, doanh nghiệp đang rất khó khăn, họ cần thời gian để phục hồi, cơ cấu lại sản xuất và tìm thị trường. Rất nhiều việc phải thực hiện.
“Sửa đổi cũng tốt, thế nhưng thời điểm phù hợp lại quan trọng hơn”, ông Phòng chia sẻ.
Theo ông Phòng, Nhà nước cần tập trung “nâng cao sức khoẻ cho doanh nghiệp”, khi nền kinh tế ổn định mới nên tính đến việc sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trong cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính với doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Kinh doanh hàng năm của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - Gabor Fluit cũng đề xuất, tạm hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cho đến năm 2027, để có thời gian phát triển một chính sách thuế cân đối, thúc đẩy tăng trưởng và duy trì sự công bằng.
Được biết, ngoài vấn đề đã nêu, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều bày tỏ sự quan ngại với đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Có thể bạn quan tâm
Cần thiết thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
03:00, 11/04/2024
Cân nhắc lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu, đồ uống
03:00, 19/03/2024
Hỗ trợ ngành bia rượu: Nên lùi thời hạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?
00:30, 10/03/2024
Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Chọn phương pháp phù hợp thực tiễn
05:30, 29/12/2023
Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần lộ trình công khai, cụ thể
11:30, 28/12/2023