Ứng xử thế nào với TikTok?

TRƯỜNG ĐẶNG 15/06/2024 12:00

Dù nhiều quốc gia đã “cấm cửa” với TikTok, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc này đối với Việt Nam có lẽ không phải là lựa chọn hợp lý.

>> Thấy gì từ vụ Tiktok kiện chính phủ Mỹ?

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần cách tiếp cận chặt chẽ hơn trong việc quản lý nền tảng mạng xã hội này.

 Cần có thêm chế tài quản lý các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Ảnh: T.T.D

Cần có thêm chế tài quản lý các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Ảnh: T.T.D

Nhiều quốc gia “ra tay”

Có lẽ khó có nền tảng mạng xã hội nào đạt được tốc độ tăng trưởng “chóng mặt” như TikTok. Đến nay, TikTok đã hơn 2 tỷ người đăng ký trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số người dùng đã tăng từ 12 triệu năm 2019 lên 68 triệu vào 2024, tăng hơn 500% sau 5 năm. Tuy nhiên, nền tảng này cũng đã gây ra nhiều nguy cơ về bảo mật dữ liệu hay tác động tiêu cực về chính trị - xã hội.

Nhiều quốc gia đã tiếp cận vấn đề nói trên một cách cứng rắn. Tháng 4 vừa qua, Mỹ ban hành đạo luật “Bảo vệ người dân Mỹ khỏi ứng dụng do quốc gia đối thủ kiểm soát”, trong đó yêu cầu ByteDance- công ty mẹ của TikTok, phải bán lại ứng dụng này ở Mỹ trong vòng 180 ngày nếu không muốn bị cấm hoàn toàn tại đây.

Trước đó, Vương quốc Anh, Australia, Liên minh châu Âu… cũng đã có những động thái khác nhau nhằm hạn chế ứng dụng này tại nước mình. Thậm chí, Ấn Độ đã cấm TikTok từ 4 năm trước.

Năm 2023, sau khi thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã kết luận Tiktok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung nhằm “câu view” thu hút người dùng, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quốc tế, các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng khó có khả năng “cấm cửa” hoàn toàn TikTok như cách mà Mỹ và một số quốc gia khác đã làm.

>> Ai sẽ chiếm được thị phần TikTok?

Ông Radomir Tomovic, Giám đốc Văn phòng Hà Nội Công ty Tư vấn Dezan Shira & Associates, cho rằng nhiều quốc gia ASEAN đang có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc nên khó có thể cấm hoàn toàn TikTok. Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN vẫn đang trong quá trình theo dõi những động thái mới của Mỹ trong xử lý TikTok để có giải pháp phù hợp.

 Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng sử dụng TikTok nhiều nhất trên thế giới tính đến hết 2023. Nguồn: DataReportal

Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng sử dụng TikTok nhiều nhất trên thế giới tính đến hết 2023. Nguồn: DataReportal

Cần giải pháp phù hợp

Bà Camelia Dinh, CEO công ty truyền thông The Brand Promise, cho biết con người có xu hướng không tiếp nhận được những gì mang tính chất phủ định. Với trường hợp TikTok cũng vậy, nếu càng cấm, giới trẻ sẽ có xu hướng càng muốn lách luật để dùng nền tảng này. Bởi vậy, sẽ hợp lý hơn nếu tập trung vào sự phối hợp chặt chẽ của các bên: từ cơ quan chức năng, công ty vận hành TikTok và chính người dùng.

Về mặt quản lý Nhà nước, nhiều ý kiến đã khuyến nghị các cơ quan chức năng cần cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung trên TikTok, đặc biệt là hoạt động livestream. Đồng thời, cần có thêm chế tài quản lý các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hoạt động theo các quy tắc ứng xử phù hợp trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, cần phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng về danh sách người bán trên TikTok Shop phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan tới thương mại điện tử và thuế. Ngoài ra, cần có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Một giải pháp khác được nhiều chuyên gia gợi ý là gắn thêm trách nhiệm xã hội cho TikTok khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. “Nếu tên tuổi của TikTok gắn với các chương trình giải quyết an sinh xã hội, khắc phục các vấn đề tâm lý giới trẻ… ở Việt Nam thì trong vận hành ứng dụng, nền tảng này sẽ phải cân nhắc điều chỉnh để giảm thiểu các tác động xấu,” bà Camellia Dinh nhấn mạnh.

Hay một cuộc thi sáng tạo làm đồ truyền thống, quảng bá du lịch Việt Nam hoặc đơn giản là cuộc thi nấu ăn cũng có thể vừa cung cấp không gian sáng tạo lành mạnh, vừa đạt hiệu quả kinh doanh cho TikTok tại Việt Nam. “Nếu coi TikTok là một môi trường sáng tạo thì tại sao không tạo ra những chương trình như thế để cho mọi người được thỏa sức sáng tạo trong khuôn khổ nhất định,” bà Camellia Dinh chia sẻ.

Nhưng trên hết, vai trò và trách nhiệm của người dùng mới là yếu tố quan trọng để hạn chế những tin giả, tin độc hại. Bà Lê Mai Anh, Giám đốc Global PR Hub, khẳng định mạng xã hội không phải là không thể kiểm soát được. Nếu chúng ta tích cực tương tác với các nội dung lành mạnh, báo cáo hoặc hủy theo dõi những nội dung tiêu cực, không phù hợp trên các nền tảng như TikTok sẽ là cách “huấn luyện” các thuật toán.

“Các bậc phụ huynh nên có trách nhiệm nhiều hơn trong việc quản lý và theo dõi những nội dung mà con cái của họ đang khai thác trên TikTok. Trên hết, vấn đề giáo dục – cho cả phụ huynh và con trẻ - về mạng xã hội nói chung hay TikTok nói riêng nên được chúng ta quan tâm nhiều hơn”, bà Camellia Dinh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tương lai TikTok sẽ ra sao?

    Tương lai TikTok sẽ ra sao?

    03:30, 27/04/2024

  • Vì sao Tiktok

    Vì sao Tiktok "ăn nên làm ra" ở Việt Nam?

    04:30, 15/04/2024

  • Cấm TikTok không làm Mỹ giảm bớt nỗi lo

    Cấm TikTok không làm Mỹ giảm bớt nỗi lo

    03:00, 25/03/2024

  • Hạ viện Mỹ cấm TikTok, thiệt hại nghiêm trọng thế nào?

    Hạ viện Mỹ cấm TikTok, thiệt hại nghiêm trọng thế nào?

    03:00, 15/03/2024

  • Chiến lược “nhái” của Meta lại thành công với TikTok

    Chiến lược “nhái” của Meta lại thành công với TikTok

    03:05, 11/03/2024

  • Tiết lộ mới của TikTok về bối cảnh người tiêu dùng tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương

    Tiết lộ mới của TikTok về bối cảnh người tiêu dùng tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương

    02:00, 02/03/2024

TRƯỜNG ĐẶNG