Ứng xử với xe hợp đồng: Phải đảm bảo hài hòa lợi ích
Trước những ý kiến trái chiều, tiêu cực về loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, nhiều ý kiến cho rằng, cần cái nhìn khách quan, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên liên quan…
>> Cần bổ sung một số quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
Thống kê cho thấy, trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng.
Nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe (tăng gấp 7,5 lần). Trong đó, vận tải hành khách hiện giờ có 331.914 xe, gồm: 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển.
Nhìn vào thống kê đã nêu có thể thấy, so với các loại hình vận tải hành khách khác, số lượng xe hợp đồng đang chiếm tới 70% tổng số xe hiện hành. Loại hình vận tải này đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.
Tuy nhiên, xoay quanh hoạt động của loại hình vận tải này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, tiêu cực,… khi loại hình này đang được gọi bằng những cái tên như: xe trá hình tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình,... liệu đã đúng bản chất?
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, loại hình xe hợp đồng cùng các loại hình xe khác đều là kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện… Nói loại hình này gây mất an toàn giao thông là không hẳn đúng, vì nếu không khách hàng sẽ không lựa chọn.
>> Dự thảo Luật Đường bộ: Cân nhắc quy định về hoạt động vận tải đường bộ
“Nhu cầu đi lại của người dân đã thay đổi nên các doanh nghiệp vận tải buộc phải thay đổi. Với các doanh nghiệp vận tải hợp đồng, nhất là doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn, chúng tôi đang làm tốt vấn đề theo dõi an toàn giao thông, làm tốt vai trò quản lý của doanh nghiệp với lái xe và phương tiện giao thông”, ông Hải chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, đã đến lúc, loại hình “xe hợp đồng” hiện nay cần có một tên gọi và định danh đúng nghĩa... chúng ta cần có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý, để các doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng theo đúng mô hình.
Còn theo ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, có một thực tế hiện nay, với xe hợp đồng chúng ta đang nói rất nhiều về tiêu cực mà chưa có cái nhìn thấu đáo các mặt tích cực.
Tích cực ở đây là gì? Có thể khẳng định ở giai đoạn quá độ trước, trong, sau dịch COVID-19, vận tải gần như sang trang, phát triển cả về số lượng, chất lượng phục vụ, đặc biệt là xe hợp đồng. Bức tranh vận tải hiện nay đang có rất nhiều điểm sáng. Người dân đi lại thoải mái, dịch vụ cao với giá thành thấp. Câu chuyện ùn tắc vận tải tại các bến xe vào các dịp lễ, Tết gần như không còn.
Viện dẫn thêm các số liệu về vấn đề chấp hành đảm bảo an toàn giao thông, ông Bằng cho rằng, một câu hỏi đặt ra - Tất cả các đơn vị tham gia kinh doanh vận tải có thực hiện đúng không? Tôi khẳng định là có. Nếu không thực hiện đúng pháp luật làm sao có chuyện cấp tem hợp đồng, phát triển số lượng phương tiện…
“Doanh nghiệp không thực hiện tốt pháp luật kinh doanh sẽ rất khó trụ vững. Cần phải động viên, biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo giá thành tốt để phục vụ người dân. Khi doanh nghiệp đầu tư phương tiện tốt, kết nối với khách hàng bằng công nghệ, chi phí sẽ được tiết giảm, khách hàng sẽ được hưởng lợi trực tiếp ở giá vé di chuyển… các cơ quan quản lý cũng cần đưa ra các đánh giá cụ thể. Những cái gì chưa theo kịp sự phát triển thì nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, trên tinh thần quản chứ không phải cấm để ủng hộ doanh nghiệp phát triển”, ông Bằng bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, liên quan đến chính sách quản lý loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, một số chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta không nên nghĩ - không quản được là cấm mà phải định danh cụ thể khi thấy nó phù hợp với lợi ích của khách hàng. Khách hàng là thượng đế, là đối tượng thông minh nhất, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của hành khách (vừa đảm bảo an toàn, tiện nghi, hợp lý); lợi ích của doanh nghiệp và cuối cùng là lợi ích Nhà nước (không thất thu thuế, không thể quản lý).
Nhìn nhận về chính sách quản lý với xe hợp đồng hiện hành, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI cũng có nhiều ý kiến về cơ chế quản lý với xe hợp đồng. Các quy định hiện nay chưa phù hợp, có những cản trở đối với hoạt động của xe hợp đồng.
“Hiện nay với các loại hình kinh doanh vận tải, các quy định theo hướng chia thành các loại hình vận tải. Mục tiêu của cơ quan quản lý chỉ là phân loại xe hợp đồng hay tuyến cố định. Bản chất xe hợp đồng là linh hoạt, có thể thỏa thuận điểm đón trả, giá tiền… nên nếu quản lý giống xe tuyến cố định sẽ không còn là bản chất của xe hợp đồng”, bà Hồng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cần bổ sung một số quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
00:30, 22/05/2024
TP.HCM: Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dịp Tết
16:10, 28/01/2024
Nghệ An bắt nhịp xu hướng “xanh hóa” ngành vận tải hành khách
11:37, 21/01/2024
Quảng Trị: Doanh nghiệp “ấm ức” tuyến vận tải hành khách ra đảo Cồn Cỏ
11:00, 29/06/2023
Thay đổi diện mạo ngành vận tải hành khách
19:13, 27/12/2022