COP29 thúc đẩy nỗ lực hạn chế nóng lên toàn cầu

CẨM ANH 14/06/2024 03:00

Việc theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang bị đe dọa khi cơ hội để thực hiện điều này đang bị thu hẹp dần.

>> Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ Đông Nam Á chống biến đổi khí hậu

Thế giới cần nỗ lực thực hiện mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu

Thế giới cần nỗ lực thực hiện mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu

Các dự báo mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) nhấn mạnh một xu hướng đáng lo ngại: Có khả năng rất cao là sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt ngưỡng quan trọng 1,5 độ C trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2040. Đáng báo động là nhiệt độ đã tăng vọt 1,1 độ chỉ trong thập kỷ qua. Cảnh báo của IPCC yêu cầu thế giới phải hành động ngay lập tức để giảm đáng kể lượng khí thải carbon.

Nếu không có các biện pháp như vậy, nguy cơ vượt ngưỡng 1,5 độ C sẽ ngày càng lớn, với hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với hành tinh và người dân toàn cầu. Việc vượt quá ngưỡng 1,5 độ C sẽ dẫn đến những mất mát không thể đảo ngược về môi trường sống. Đây là mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều người, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển và các quốc đảo nhỏ.

Là một quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, Azerbaijan đang cảm nhận được tác động của nhiệt độ tăng cao. Hơn một phần ba lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phải đối mặt với rủi ro do thiếu nước và ô nhiễm đất đai. Đây là những vấn đề chung của gần 4 tỷ người trên toàn thế giới.

Theo ông Mukhter Babayev, Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên của Azerbaijan, đồng thời giữ vai trò Chủ tịch Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới, mức hạn chế nóng lên toàn cầu 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp vẫn là mục tiêu lý tưởng và sẽ tiếp tục duy trì trong hội nghị sắp tới.

Để duy trì ngưỡng 1,5 độ C trong tầm tay và thúc đẩy quá trình này đạt được tiến triển thực sự, ông Babayev cho rằng các bên cần lập kế hoạch giảm phát thải phù hợp với ngưỡng 1,5 độ theo các hoàn cảnh quốc gia khác nhau.

"Đây là lý do tại sao năm 2024 là một năm quan trọng. Các quốc gia cần thể hiện quyết tâm hành động mạnh mẽ thông qua các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đầy tham vọng nhằm đạt được mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, cũng như các kế hoạch thích ứng và báo cáo minh bạch của quốc gia", ông Babayev nói. Với tư cách là nước chủ nhà COP29, Azerbaijan cũng đang đi đầu trong việc cam kết thực hiện NDC phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C.

>> Đông Nam Á đối mặt vấn đề nan giải trong ứng phó biến đổi khí hậu

Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon (giữa) chúc mừng về việc ký kết Thỏa thuận Paris 2015 với các quan chức Pháp. Ảnh: Reuters

Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon (giữa) chúc mừng về việc ký kết Thỏa thuận Paris 2015 với các quan chức Pháp. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, chi phí để·thực hiện những cam kết này thường rất cao. Do đó, tài chính là một trong những công cụ chính có thể biến tham vọng thành hành động. Các bên cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ tài chính để giúp các quốc gia thực hiện các NDC tham vọng hơn. Điều này không chỉ bao gồm hỗ trợ cho các nỗ lực giảm thiểu mà còn hỗ trợ tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi.

Bên cạnh đó, ông Mukhter Babayev cho rằng, tất cả các bên phải nhất trí về một mục tiêu tài chính khí hậu mới, công bằng và đầy tham vọng. Các khoản đầu tư cũng cần có khuôn khổ, quy định và chiến lược hỗ trợ. Thế giới cần tăng dòng tài chính khí hậu tổng thể lên nhiều lần để góp phần giải quyết các vấn đề khiến một số quốc gia không thể thực hiện mục tiêu khí hậu riêng.

Quy mô của thách thức này nằm ở châu Á, nơi có nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ở khu vực này, việc theo đuổi quá trình chuyển đổi công bằng phụ thuộc vào dòng vốn chảy đến các cộng đồng dễ bị tổn thương để hỗ trợ liên tục cho phát triển kinh tế và hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề như tài sản bị mắc kẹt.

Đây là lý do tại sao Chủ tịch COP29 đang làm việc với nhiều bên liên quan, từ chính phủ và các tổ chức tài chính đa phương đến khu vực tư nhân, các tổ chức tài chính và các nhà từ thiện để đưa ra các biện pháp thỏa đáng trong cuộc họp sắp tới.

Trong các cuộc đối thoại cấp cao, nhóm Chủ tịch COP29 đang tiếp tục cố gắng tạo động lực để thực hiện hành động tích cực về khí hậu để đảm bảo rằng việc bảo vệ hành tinh sẽ được diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ông Babayev nhấn mạnh, với COP29, Azerbaijan hướng đến mục tiêu thúc đẩy tính bao trùm trong suốt quá trình, nhằm đảm bảo rằng các quan điểm đa dạng được lắng nghe và đánh giá cao. Bằng cách ưu tiên điều này, COP29 có thể phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các bên liên quan. Đồng thời những nỗ lực này được kỳ vọng mang lại cho tất cả các bên sự tự tin rằng thế giới đầu tư ngày hôm nay để cứu ngày mai, cũng như thúc đẩy các quốc gia cùng tiến lên phía trước trong sự đoàn kết vì một thế giới xanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ Đông Nam Á chống biến đổi khí hậu

    Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ Đông Nam Á chống biến đổi khí hậu

    03:00, 06/05/2024

  • Đông Nam Á đối mặt vấn đề nan giải trong ứng phó biến đổi khí hậu

    Đông Nam Á đối mặt vấn đề nan giải trong ứng phó biến đổi khí hậu

    03:00, 26/04/2024

  • Muốn chống biến đổi khí hậu, cần làm theo cách này

    Muốn chống biến đổi khí hậu, cần làm theo cách này

    03:00, 15/02/2024

  • Nhiều thành phố ngày càng

    Nhiều thành phố ngày càng "yếu ớt" trước biến đổi khí hậu

    04:00, 08/01/2024

  • COP đem lại lợi ích gì cho biến đổi khí hậu?

    COP đem lại lợi ích gì cho biến đổi khí hậu?

    04:00, 11/12/2023

CẨM ANH