Giải pháp nâng cao bảo mật và an toàn cho giao dịch không tiền mặt

LÊ MỸ 15/06/2024 04:03

Ứng phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người sử dụng giao dịch không tiền mặt, nhiều giải pháp đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đề ra.

>>> 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, ngành tài chính giám sát an toàn mạng 24/7

Đồng bộ giải pháp, nâng cao nhận thức

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.

Ông

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...

Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động TTKDTM, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 04 nhóm chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; Triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.

Trong 05 năm qua, NHNN đã có hơn 90 lượt văn bản chỉ đạo, cảnh báo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các đơn vị trong ngành, trong đó yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho toàn thể nhân viên và khách hàng của ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ.

>>> Thanh toán không dùng tiền mặt: Bảo mật, an toàn vẫn là trở ngại

Để tăng cường bảo mật, từ ngày 1/7, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Ứng dụng AI vào đối phó lừa đảo trực tuyến

Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp cho biết, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đối phó với lừa đảo qua mạng, tích cực triển khai  Quyết định 2345 là các giải pháp hàng đầu mà các đơn vị đã và đang thực hiện.

Theo bà Phạm Châu Loan - Phó Trưởng phòng phát triển kênh số và đối tác Vietcombank - cho biết, theo Quyết định 2345 của NHNN, đơn vị này đang tích cực triển khai các giải pháp sinh trắc học nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch. Việc xác thực sinh trắc học khách hàng vừa đảm bảo tính chính xác, tin cậy của dữ liệu, vừa không gây cản trở cho trải nghiệm giao dịch của người dùng.

Vietcombank đã đầu tư hạ tầng công nghệ, trang thiết bị cần thiết phục vụ việc thu thập dữ liệu sinh trắc học. Đồng thời, ngân hàng ứng dụng các công nghệ về sinh trắc học tiên tiến để tạo ra trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng trong quá trình đăng ký và xác thực giao dịch bằng sinh trắc học.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) - cho biết, ACB đã sẵn sàng triển khai để thực hiện yêu cầu xác thực khuôn mặt trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày. Theo đó, hệ thống xác thực khuôn mặt đã được triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

“Sau 3 ngày, có 30.000 khách hàng xác thực. Tôi là khách hàng đầu tiên. Ngay khi triển khai, chúng tôi rất lo hệ thống này có đảm bảo hay không, độ mượt. Nhưng thực tế, chưa đến 30 giây đã xác thực được, thuận lợi. Đây là giải pháp rất triệt để, giải quyết được các rủi ro trong thời gian qua. Tôi nghĩ từ ngày 1/7 mọi thứ tốt hơn nhiều”, ông Phát chia sẻ. 

Phiên thảo luận 1, hhội thảo 'Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt' tổ chức ngày 14-6 tại TP.HCM. Hội thảo do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo 'Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt' tổ chức ngày 14/6 tại TP.HCM. Hội thảo do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ, Napas, Sở Công thương TP HCM và các đơn vị liên quan tổ chức

Ông Nguyễn Phúc Dương- Giám đốc Khối CNTT & NHĐT, ngân hàng HDBank - cho biết, đã triển khai các dịch vụ có công nghệ cao nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng và cho ngân hàng: HDBank phối kết hợp với dịch vụ công ty trong nước-  Viettel Cyber Security, cùng các giải pháp công nghệ nước ngoài và đội ngũ nội bộ chuyên trách- Threat Hunting. 

"Việc cân bằng giữa trải nghiệm khách hàng và bảo mật là vấn đề được HDBank đưa ra phân tích, đánh giá trong quá trình phát triển ứng dụng dịch vụ. Việc cân bằng sẽ dựa trên mức độ rủi ro (khả năng bị tấn công tại mỗi thao tác dịch vụ, mức độ thiệt hại tài chính vv…) và đồng thời tuân thủ các quy định, Thông tư của NHNN. Tất cả các vấn đề trên, chúng tôi đều phân tích, đánh giá kỹ càng nhằm cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt nhất", ông Dương nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của công ty công nghệ thanh toán toàn cầu về vấn đề bảo mật thanh toán cho tổ chức tín dụng và người dùng, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định: “Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, nguy cơ gặp phải tội phạm an ninh mạng là không thể tránh khỏi. Điều này đang là vấn đề nguy cấp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Mastercard đã và đang đầu tư hàng tỷ đô la để đảm bảo an toàn, bảo mật cho mọi giao dịch thanh toán bằng thẻ Mastercard trên toàn cầu. Đồng thời, công ty luôn chú trọng hợp tác với các đối tác như chính phủ, ngân hàng, tổ chức tín dụng để đem đến các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ thông tin, giao dịch của người dùng". 

Chia sẻ về giải pháp phòng ngừa đánh cắp thông tin thẻ, đại diện Mastercard cho biết công ty đã và đang tích cực cho ra mắt các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro khi người dùng đánh mất thẻ hoặc bị kẻ xấu chiếm đoạt thông tin thẻ đối với hai loại thẻ phổ biến hiện nay là thẻ trực tuyến và thẻ vật lý.

Với thẻ vật lý, Mastercard luôn khuyến cáo người dùng bảo mật tuyệt đối thông tin thẻ, không chia sẻ số thẻ với người khác. Đồng thời, công ty kết hợp với mạng lưới đối tác rộng lớn để cho ra mắt giải pháp thẻ không số liên kết với ứng dụng trên điện thoại thông minh, đảm bảo thông tin người dùng được bảo mật và cho phép chủ thẻ chủ động kiểm soát tình trạng thẻ. Với thẻ trực tuyến, Mastercard tiếp cận theo hướng mã hoá số thẻ - phương thức bảo vệ thông tin thẻ tốt nhất hiện nay do mọi thông tin đều được mã hoá trên toàn hệ thống.

Cũng theo bà Winnie Wong, các phương thức lừa đảo và gian lận sẽ ngày càng trở nên tinh vi hơn. Trong bối cảnh này, Mastercard cam kết tiếp tục vận dụng công nghệ tiến tiến và chuyên môn toàn cầu để đem đến cho các đối tác, doanh nghiệp và người dùng tại Việt Nam những giải pháp thanh toán liền mạch, tiện lợi và an toàn, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt của Việt Nam.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cũng cho hay, Visa đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào các giải pháp dựa trên AI để ngăn chặn gian lận và nâng cao nhận thức về bảo mật. Visa cũng đang áp dụng công nghệ mã Token để mã hóa giao dịch, giúp xóa bỏ các thông tin riêng tư của chủ thẻ khỏi luồng thanh toán, tăng cường bảo mật.

Visa còn đang làm việc với các ngân hàng và đối tác để áp dụng phương thức xác thực dựa trên dữ liệu thay vì mã OTP đối với các giao dịch thương mại điện tử. Đây cũng là xu hướng ở những thị trường phát triển như Singapore và Malaysia, giúp bảo mật thanh toán tăng lên nhiều lần.

Yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng. Quy định này không chỉ mang lại sự an tâm cho người dùng mà còn giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính nâng cao uy tín và thu hút thêm khách hàng. Khi các giải pháp kỹ thuật, quản lý và bảo mật được phối hợp chặt chẽ, người dân sẽ có thể trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số một cách an toàn và thuận tiện hơn.

nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM

Thời gian tới, NHNN cho biết tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm để nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM

Nhìn chung, theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức, trong việc triển khai các giải pháp để nâng bảo mật, đảm bảo an toàn giao dịch của khách hàng trên không gian số, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thói quen và hành vi sử dụng thanh toán không tiền mặt, hướng đến nền kinh tế số, thì đầu tư, ứng dụng công nghệ là "chìa khóa" quan trọng. 

"Nếu trước đây chúng ta hay thực hiện theo cách truyền thống là phòng ngự bị động thì bây giờ sang chủ động trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin Cụ thể, chúng ta chủ động kiểm tra, đánh giá, khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu về an toàn thông tin của các hệ thống thông tin; chủ động giám sát, điều tra các dấu hiệu sự cố an toàn thông tin ngay từ khi mới bắt đầu để kịp thời xử lý từ sớm các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra", ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN), cho biết. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (NHNN) khuyến nghị, các ngân hàng, doanh nghiệp cũng phải thiết lập các hệ thống dự phòng thảm họa, sao lưu dữ liệu, thực hiện việc chuyển đổi định kỳ giữa các trung tâm dữ liệu bảo đảm sẵn sàng thay thế cho hệ thống chính (nếu có sự cố xảy ra). Song song đó, mọi doanh nghiệp phải xây dựng các kịch bản và diễn tập ứng cứu các sự cố an toàn thông tin...

NHNN sửa quy định về mở tài khoản qua eKYC

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã dành thời gian tham dự hội thảo. Đây là sự động viên, khích lệ ngành ngân hàng, báo Tuổi Trẻ để tiếp tục hành trình con đường chuyển đổi số cũng như TTKDTM.

Phó Thống đốc đánh giá cao sự kiện Ngày Không tiền mặt năm nay với chủ đề mới, cách làm mới.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao sự kiện Ngày Không tiền mặt năm nay với chủ đề mới, cách làm mới.

Về những kết quả trong phát triển TTKDTM, Phó Thống đốc dẫn chứng: “Như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tỷ lệ nộp thuế có đến 99% không dùng tiền mặt, những con số mà trước đây chưa từng mơ ước tới. Năm 2019, chúng ta có 1 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay chúng ta có đến 9 tỷ giao dịch. Mức tăng trưởng vô cùng lớn”.

Phó Thống đốc tổng kết, có ba điểm mà các ý kiến của diễn giả gợi ý quan trọng. Đó là bên cạnh các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán, các công ty vận hành hệ thống thanh toán như NAPAS phải tham gia vào quá trình này để phát hiện các giao dịch rủi ro. Thứ hai chia sẻ với các bên liên quan về các tài khoản, vụ việc gian lận, giả mạo…Hội thảo khuyến nghị cần chấm điểm tín dụng để đề phòng giả mạo. Khi thanh toán chúng ta quan tâm đến mức độ tín nhiệm trên điểm tín dụng đó để đánh giá người nhận tiền, người chuyển nhận. Đây là những vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam.

Liên quan Quyết định 2345, Phó Thống đốc phân tích thêm, nếu không may chúng ta bị lấy mất thông tin của khách hàng, bọn tội phạm có thể chiếm máy đó. Nhưng với việc áp dụng Quyết định 2345, khi giao dịch thì phải so khớp, xác thực khuôn mặt thì không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền.

Điều khá là quan trọng khi chiếm đoạt thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền.

Ông Dũng chia sẻ giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% giao dịch. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chưa đến 1%. Ông nhấn mạnh:  “Không phải khi thực hiện 20 triệu đồng mà đến giao dịch 100.000 đồng sau giao dịch 20 triệu đồng phải làm sinh trắc học mà ở mức 20 triệu đồng chúng ta xác thực xong sau đó chúng ta không phải xác thực nữa, cho đến tận 20 triệu đồng tiếp theo. Nguyên tắc không làm gián đoạn việc trải nghiệm của khách hàng”.

Với trường hợp như người không cư trú mở tài khoản mà không có cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì NHNN đang sửa quyết định cho phép mở tài khoản eKYC tại ngân hàng.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, mới đây nhất là Thủ tướng đã ký Nghị định 52 về TTKDTM.

Phó Thống đốc cho biết thêm, thời gian tới, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, NHNN đang rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về TTKDTM , trong đó có các thông tư liên quan đến hoạt động thanh toán gồm mở và sử dụng tà khoản; mở và sử dụng thẻ; và thông tư quan trọng liên quan đến đại lý. Lần đầu tiên Việt Nam cho phép làm đại lý ở mức độ giới hạn, các ngân hàng có thể chọn các đơn vị có đủ chức năng làm đại lý. Đây là những định hướng lớn về TTKDTM ở thế giới thì đang làm ở Việt Nam. Hy vọng, thời gian tới, những thông tư này sẽ đi vào cuộc sống và thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR Code tăng trưởng nhanh, đến nay đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile. Số liệu tổng hợp 4 tháng đầu năm 2024, TTKDTM đạt khoảng 4,9 tỷ giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 87 triệu tỷ đồng (tăng 57,11% về số lượng và 33,45% về giá trị); trong đó, giao dịch qua kênh Internet đạt hơn 916,7 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 22,5 triệu tỷ đồng (tăng 47,48% về số lượng và 30,03% về giá trị), qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3,4 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị), đặc biệt thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 101,2 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 126,8 nghìn tỷ đồng (tăng 167,2 % về số lượng và hơn 424,5% về giá trị). (Nguồn: NHNN)

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày không tiền mặt năm 2024 - Thúc đẩy thanh toán an toàn, bảo mật

    Ngày không tiền mặt năm 2024 - Thúc đẩy thanh toán an toàn, bảo mật

    14:52, 28/05/2024

  • 3 xu hướng nổi trội định hình tương lai thanh toán tại Việt Nam

    3 xu hướng nổi trội định hình tương lai thanh toán tại Việt Nam

    14:29, 10/05/2024

  • Sacombank, Visa và 3 ví điện tử hàng đầu kết nối thanh toán QR code

    Sacombank, Visa và 3 ví điện tử hàng đầu kết nối thanh toán QR code

    10:00, 27/05/2024

  • Châu Á tạo đòn bẩy thanh toán số

    Châu Á tạo đòn bẩy thanh toán số

    03:00, 17/04/2024

  • 74% người Việt dùng thanh toán không tiếp xúc trong dịp lễ

    74% người Việt dùng thanh toán không tiếp xúc trong dịp lễ

    14:04, 05/04/2024

  • Du lịch quốc tế, người Việt chọn thanh toán theo phương thức nào?

    Du lịch quốc tế, người Việt chọn thanh toán theo phương thức nào?

    16:05, 26/03/2024

  • Việt Nam dẫn đầu về chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt tại Đông Nam Á

    Việt Nam dẫn đầu về chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt tại Đông Nam Á

    00:40, 20/03/2024

LÊ MỸ