BRICS tiến thêm "bước dài" thúc đẩy phi đô la hóa
BRICS đã và đang có nhiều nỗ lực mới nhằm thúc đẩy tiến trình phi đô la hoá.
>> BRICS vượt G7: Cán cân quyền lực đảo chiều
BRICS là một tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Gần đây, BRICS đã mở rộng và hiện bao gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hiện nay, nhiều quốc gia khác cũng đang ngỏ ý tham gia BRICS.
Nga, với tư cách là Chủ tịch BRICS, đang thúc đẩy một chương trình nghị sự tài chính rộng rãi nhằm nâng cao vai trò của các nước thành viên trong hệ thống tài chính quốc tế cũng như phát triển hợp tác liên ngân hàng và thanh toán bằng tiền tệ quốc gia.
Một trọng tâm quan trọng của BRICS là khả năng tạo ra một loại tiền chung của khối này để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên cạnh việc Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự và chính trị, các vấn đề tài chính cũng đã được đặt lên hàng đầu. Ông Putin tiết lộ rằng kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm 2023 đã tăng 25%, đạt hơn 227 tỷ USD, với 90% giao dịch bằng đồng rúp và nhân dân tệ.
Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ để ngừng tài trợ cho các giao dịch nói trên. Những nhận xét của ông Putin rõ ràng không chỉ nhằm vào lãnh đạo Trung Quốc mà còn dành cho phần lớn các nước ở Nam bán cầu nhằm thúc đẩy các sáng kiến chung Trung-Nga như phi đô la hóa vốn đã nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm của ông Putin, nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc đã bán tổng cộng 53,3 tỷ USD trái phiếu kho bạc của Mỹ trong quý 1/2024.
Tính đến tháng 3/2024, hơn một nửa (52,9%) thanh toán của Trung Quốc được thanh toán bằng Nhân dân tệ trong khi 42,8% được thanh toán bằng USD. Hơn nữa, theo dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố, dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng lên 2.264,87 tấn trong quý 1/2024, tăng từ 2.235,39 tấn trong quý 4/2023. Con số này cao gấp đôi so với 5 năm trước.
Theo Goldman Sachs, việc người nước ngoài ngày càng sẵn sàng giao dịch tài sản bằng đồng Nhân dân tệ tiếp tục góp phần giảm bớt tình trạng đô la hóa có lợi cho Nhân dân tệ. Đầu năm ngoái, Brazil và Argentina tuyên bố sẽ bắt đầu cho phép thanh toán thương mại bằng Nhân dân tệ. Với sự khởi đầu của xu hướng phi đô la hóa toàn cầu, nhiều quốc gia đã tăng tốc đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình bằng cách tăng cường nắm giữ vàng và sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch quốc tế.
Vào đầu tháng 4/2024, truyền thông Ấn Độ đưa tin rộng rãi rằng Bộ Ngoại giao nước này đã thông báo rằng Ấn Độ và Malaysia đang bắt đầu thanh toán thương mại bằng đồng rupee Ấn Độ. Ấn Độ đã tiến hành phần lớn giao dịch năng lượng với Nga bằng đồng rupee hoặc rúp.
Khi quá trình phi đô la hóa tăng tốc, các quốc gia BRICS tiếp tục nỗ lực thiết lập một loại tiền dự trữ mới được hỗ trợ bởi rổ tiền tệ tương ứng của khối này. Các thành viên BRICS chưa phát triển được đồng tiền riêng của mình, nhưng hệ thống thanh toán dựa trên blockchain BRICS đang hoạt động, theo Trợ lý của Điện Kremlin Yury Ushakov vào tháng 3/2024. Hệ thống thanh toán này kết nối hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên BRICS bằng cách sử dụng cổng thanh toán để thanh toán bằng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương thành viên.
>> Đồng tiền chung BRICS sẽ thách thức USD?
Đồng tiền BRICS sẽ cho phép các quốc gia thành viên khẳng định sự độc lập về kinh tế của mình trong khi cạnh tranh với hệ thống tài chính quốc tế hiện có. Hệ thống hiện tại bị chi phối bởi đồng USD, chiếm khoảng 90% tổng giao dịch tiền tệ toàn cầu. Mới đây, việc Saudi Arbia không tiếp tục gia hạn thoả thuận Petrodollars. Trước đó vào vào năm 2023, 1/5 giao dịch dầu mỏ được thực hiện bằng các loại tiền tệ không phải USD. Tất cả các điều này có thể sẽ giảm tỷ trọng của USD trong giao dịch tiền tệ toàn cầu trong tương lai.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Sergey Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, tiết lộ rằng chương trình nghị sự phi đô la hóa sẽ chiếm vị trí trung tâm tại hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến diễn ra ở Nga vào tháng 10/2024. BRICS sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau hội nghị thượng đỉnh, mở ra cơ hội mới cho các quốc gia thành viên.
Trước đó, BRICS cũng đã thành lập Ngân hàng BRICS vào năm 2015, hiện được gọi là Ngân hàng Phát triển Mới, hay NDB. Ngân hàng này huy động nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở BRICS cũng như các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển khác.
Năm 2021, NDB mở rộng tư cách thành viên và kết nạp Bangladesh, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Uruguay làm thành viên mới. Vào tháng 3/2024, Ban lãnh đạo NDB đã kết thúc cuộc họp lần thứ 43 tại trụ sở chính ở Thượng Hải. Trong các cuộc họp, một kế hoạch dự án mạnh mẽ cho năm 2024 đã được thảo luận, phù hợp với mục tiêu phát triển của các quốc gia thành viên NDB.
Mặc dù mối đe dọa phi đô la hóa từ đồng tiền BRICS kỹ thuật số dường như chưa sắp xảy ra, nhưng không có nghi ngờ gì về cam kết, đặc biệt là của Trung Quốc và Nga, đối với việc tạo ra một giải pháp thay thế cho cấu trúc tài chính hiện tại được củng cố bởi USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu BRICS thành công trong việc phi đô la hoá, sẽ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia ở Nam bán cầu và hy vọng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ kiềm chế hơn trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt như một đòn bẩy chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực lạm phát trong nước và nợ quốc gia ngày càng tăng.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao BRICS khó đưa ra đồng tiền chung?
03:30, 20/09/2023
BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?
05:00, 19/09/2023
"Hé lộ" tham vọng lớn của BRICS+
03:30, 15/09/2023
BRICS+ sẽ thách thức sức mạnh của G7?
03:30, 05/09/2023
BRICS mở rộng sẽ "đuổi kịp" Mỹ và phương Tây?
04:30, 31/08/2023
Thượng đỉnh BRICS bắn tín hiệu gì cho Mỹ và phương Tây?
04:14, 30/08/2023
BRICS mở rộng, thách thức mới nổi lên
03:30, 30/08/2023
Tham vọng lớn còn dở dang của BRICS
04:30, 28/08/2023