BRICS mở rộng, thách thức mới nổi lên

Diendandoanhnghiep.vn Các nhà lãnh đạo BRICS đã có động thái đáng chú ý khi mời Argentina, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia , Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tham gia vào khối.

>>BRICS mở rộng, chia đôi thế giới

4 nhà lãnh đạo khối BRICS và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavro

4 nhà lãnh đạo khối BRICS và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị Thượng đỉnh khối ở Nam Phi

BRICS mở rộng là một chiến thắng lớn đối với ông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người từ lâu đã thúc đẩy việc mở rộng khối và tầm ảnh hưởng của khối bất chấp sự dè dặt của các thành viên khác như Ấn Độ và Brazil. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình đã ca ngợi việc mở rộng BRICS là “lịch sử” và là “điểm khởi đầu mới cho hợp tác BRICS”.

Động thái này dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng thành viên của nhóm và mở rộng đáng kể phạm vi của nhóm, đặc biệt là ở Trung Đông. Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, cho biết: “Điều này khiến Trung Quốc trở thành người chiến thắng rõ ràng. Việc có thêm sáu thành viên mới là một bước đi quan trọng của khối BRICS”.

Đối với Bắc Kinh, cũng như Moscow, BRICS mở rộng là một phần trong nỗ lực biến khối này thành một đối trọng địa chính trị với nhóm G7. Điều đó đã trở nên cấp bách hơn trong năm qua do sự cạnh tranh ngày càng leo thang của Trung Quốc với Mỹ, cũng như chiến sự Nga - Ukraine khiến Bắc Kinh ngày càng xa cách với Mỹ và phương Tây vì ủng hộ Moscow.

Đáp lại nhu cầu của các quốc gia Nam bán cầu về việc cần có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, tuyên bố của các nhà lãnh đạo BRICS liên tục kêu gọi tăng cường đại diện của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển trong các tổ chức quốc tế, từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng quốc tế.

Ông Happymon Jacob, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết BRICS mở rộng làm nổi bật sự thay đổi trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu. “Việc trở thành người dẫn đầu trong các diễn đàn đa phương không do phương Tây chi phối sẽ giúp Trung Quốc trở thành đối trọng với Mỹ và thay đổi trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo”, ông Jacob nhấn mạnh.

Mặc dù vậy việc tăng thêm thành viên BRICS cũng đặt ra câu hỏi về sự gắn kết của BRICS, nơi các thành viên chủ chốt đã có sự khác biệt lớn về hệ thống chính trị, sức mạnh kinh tế và các mục tiêu ngoại giao.

Ông Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết: “Tôi nghi ngờ về tính hiệu quả của BRICS sau khi mở rộng. Khi càng có nhiều thành viên thì BRICS càng cần phải dung hòa và đáp ứng nhiều lợi ích hơn”.

Điều đó đặc biệt đúng đối với một tổ chức dựa trên sự đồng thuận như BRICS, nơi các quyết định chỉ được đưa ra nếu tất cả các thành viên đồng thuận.

Những quốc gia mới tham gia là một nhóm hơi khác biệt. Hai nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, bao gồm Argentina, quốc gia vỡ nợ hàng loạt từ lâu đã phải vật lộn với lạm phát và khủng hoảng tiền tệ, là nước vay nhiều nhất từ IMF. Và Ai Cập, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, là con nợ lớn thứ hai của IMF.

Trong khi đó, Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi và từng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất lục địa, đang chịu ảnh hưởng của cuộc nội chiến kéo dài hai năm ở khu vực Tigray.

Trong số 3 nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới gồm Saudi Arabia, UAE và Iran có hai nước trước đây từng là đồng minh thân cận truyền thống của Mỹ, nhưng gần đây đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

>> BRICS tung đòn soán ngôi “vua tiền tệ” của USD

BRICS đang có tham vọng trở thành đối trọng với G7

BRICS đang có tham vọng trở thành đối trọng với G7

Đặc biệt, Iran và Saudi Arabia vẫn đang là đối thủ dù đầu năm nay họ đã khôi phục quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.

Điều này trái ngược hẳn với một khối có sự thống nhất và tương đồng cao như G7, bao gồm các nền dân chủ có cùng tư tưởng với các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn.

Bà Helena Legarda, chuyên gia phân tích chính tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một tổ chức tư vấn ở Berlin đánh giá, vẫn chưa rõ BRICS mở rộng sẽ mang lại giá trị và ảnh hưởng ở mức độ nào. “Nếu không có hệ tư tưởng chung và mục tiêu tổng thể rõ ràng, việc BRICS bổ sung thêm 6 thành viên mới có thể khiến sự chia rẽ xuất hiện nhanh hơn”, bà lưu ý.

BRICS mở rộng cũng có khả năng thúc đẩy sự cạnh tranh - và tiềm ẩn xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ, khi mối quan hệ vốn đã căng thẳng do xung đột ở biên giới. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ để giành quyền lãnh đạo Nam bán cầu giờ đây chắc chắn sẽ trở nên gay gắt hơn với việc Trung Quốc đang có những lợi thế lớn hơn về mặt kinh tế. 

“Mặc dù Ấn Độ có quan hệ tốt với tất cả các thành viên BRICS mới, nhưng tiềm lực tài chính dồi dào của Trung Quốc và khả năng lấp đầy khoảng trống hậu Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông, có thể giúp Trung Quốc có ảnh hưởng đến BRICS nhiều hơn Ấn Độ", Giáo sư Happymon Jacob nói.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết BRICS mở rộng, thách thức mới nổi lên tại chuyên mục Quốc tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714471061 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714471061 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10