“Đánh thức” kinh tế lâm nghiệp Quảng Trị

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 20/06/2024 01:26

Với sự xuất hiện của tín chỉ carbon rừng, hàng trăm nghìn hecta rừng ở Quảng Trị có thêm một nguồn thu.

Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong sáu địa phương Bắc Trung bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng do Quỹ Carbon chuyển đến thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.

 Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) đang hoàn thành thủ tục phê duyệt đơn giá tín chỉ carbon.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) đang hoàn thành thủ tục phê duyệt đơn giá tín chỉ carbon.

Từ rừng chuẩn FSC

Cách đây hơn 15 năm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải (Quảng Trị) là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá quản lý rừng bền vững (FSC).

Đến năm 2010, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Hội đồng quản trị rừng thế giới đánh giá lại hiện trạng. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC sau khi vượt qua 10 nguyên tắc, 150 tiêu chí.

Từ 8,6 nghìn ha ban đầu, đến nay Quảng Trị đã có hơn 26 nghìn ha rừng FSC. Với loại rừng này, sản lượng gỗ được nâng lên, chất lượng cao hơn và giá bán ra thị trường cao hơn 10-20% so với rừng thông thường. FSC còn là chứng chỉ uy tín, giúp sản phẩm gỗ có thể thâm nhập vào bất kỳ thị trường nào.

Quảng Trị đã thành lập hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng, hiện có 43 chi hội với 655 hội viên, tổng diện tích được cấp chứng chỉ FSC là 5,397.55 ha. Sản lượng gỗ dự kiến năm nay dự kiến đạt 101.860 tấn, giá thị trường hiện nay từ 1.170.000 đồng - 1.320.000 đồng/tấn.

Từ nền tảng này, Quảng Trị tiếp tục nhận được nguồn đầu tư quốc tế, đơn cử như dự án PROSPER do Liên minh châu Âu (EU) và MCNV đồng tài trợ. Trong vòng 3 năm, dự án này đã tạo ra 2.880 ha rừng trồng gỗ keo đạt chuẩn FSC, khắc phục 2.115 ha rừng tự nhiên đạt chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái. Triển vọng nguồn chi trả tự nguyện hàng năm ước tính khoảng 10 euro/tấn CO2.

Diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC, bao gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.

 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC sau khi vượt qua 10 nguyên tắc, 150 tiêu chí.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC sau khi vượt qua 10 nguyên tắc, 150 tiêu chí.

Đến tín chỉ carbon

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện sở hữu 23.000 hecta rừng có độ che phủ cao. Đơn vị này đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng, chờ phê duyệt đơn giá tín chỉ carbon. Dự kiến đơn giá tín chỉ carbon khoảng 120.000đ/ha, tương đương 2,7 tỷ đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Hoan, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết: “tín chỉ carbon rừng là hướng đi mới nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế trực tiếp từ rừng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của đơn vị là việc chọn lựa đối tượng thụ hưởng. Nếu Ban quản lý không được chọn lựa đối tượng thụ hưởng, sẽ gây ra khó khăn, bất cập trong quá trình quản lý rừng”.

Năm 2023, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Trị cho biết tỉnh đã nhận được 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Tỉnh Quảng Trị đã giải ngân hơn 17 tỷ đồng, trong đó hơn 16 tỷ đồng chi trả cho chủ rừng. Số diện tích rừng được chi trả là hơn 126.600 ha, đơn giá trung bình 120.000 đồng/ha.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: định hướng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đem lại nguồn thu nhập lớn cho người làm lâm nghiệp yêu rừng, quý rừng hơn, ứng xử với rừng tốt hơn. Đặc biệt, điều tiết phát thải khí nhà kính, tạo sinh kế và động lực cho người tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng.

Điều đáng mừng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Quảng Trị tìm cơ hội hợp tác thương mại tín chỉ carbon. Trong đó, Inproba, công ty đến từ châu Âu muốn chi trả cho lượng hấp thụ 1.500 tấn carbon/năm, đơn giá 10 euro/tấn; công ty Etifor đàm phán tài trợ 50.000 euro/năm cho cộng đồng để duy trì chứng chỉ FSC…

Ngoài ra, Quảng Trị đã manh nha nhiều dự án khai thác sâu giá trị từ gỗ rừng trồng, bên cạnh Công ty CP Gỗ MDF Quảng Trị đã thành danh trên thị trường gỗ công nghiệp quốc tế. Mới đây, Công ty CP Austwood Quảng Trị đề xuất xây dựng tổ hợp sản xuất gỗ viên nén trị giá 465 tỷ đồng. Theo báo cáo của Austwood Quảng Trị, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ góp phần gia tăng giá trị của ngành khai thác gỗ, đặc biệt là gỗ rừng FSC, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho khoảng hơn 100 lao động với thu nhập bình quân từ 5-20 triệu đồng/người/tháng.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Trị: Cảng Cửa Tùng đang bị “bức tử”?

    Quảng Trị: Cảng Cửa Tùng đang bị “bức tử”?

    16:10, 28/05/2024

  • Đầu tư công Quảng Trị: Nhiều nơi “bất động”

    Đầu tư công Quảng Trị: Nhiều nơi “bất động”

    15:13, 07/05/2024

  • Làm thế nào để giải bài toán “lấp đầy” khu công nghiệp ở Quảng Trị?

    Làm thế nào để giải bài toán “lấp đầy” khu công nghiệp ở Quảng Trị?

    02:00, 04/05/2024

TRƯƠNG KHẮC TRÀ