Một trung tâm dịch vụ nghề cá quan trọng bậc nhất của tỉnh Quảng Trị, nhưng độ sâu luồng lạch còn lại 0,5-1,5m. Cảng cá Cửa Tùng trước nguy cơ chết yểu!
>>Làm thế nào để giải bài toán “lấp đầy” khu công nghiệp ở Quảng Trị?
Gần 60 tuổi, 40 năm làm nghề cá, ngư dân Phan Thanh An (thị trấn Cửa Tùng - huyện Vĩnh Linh) chưa bao giờ thấy cảnh cảng cá Cửa Tùng “khó ra khó vào” như lúc này.
Ngồi trên bờ, ông An nói trong sự lo lắng, rằng: “trước đây chúng tôi có thể ra khơi bất cứ lúc nào, nhưng bây giờ ra phải đợi nước lớn, vào cũng chờ nước lên. Nhiều khi cá, tôm đầy khoang nhưng tàu không vào được cảng, thế là bao nhiêu sự tươi ngon của hải sản ươn héo hết”.
Lão ngư Nguyễn Văn Kim (thị trấn Cửa Tùng - huyện Vĩnh Linh), chủ con tàu mang công suất 130 CV, tâm tư: “vì không vào được cảng nên phải nhờ thuyền nhỏ trung chuyển, phát sinh rất nhiều chi phí cho chúng tôi, chuyến đi biển có lãi đã khó, đưa con cá con tôm xa hàng trăm hải lý vào bờ còn khó hơn”.
Mấy ngư dân còn chỉ cho tôi thấy một con tàu đắm cách bờ vài trăm mét, chỉ còn mũi nhô lên mặt nước. Con tàu và chủ nhân không may bị mắc cạn, sóng đánh úp, chứng kiến cả gia tài tiền tỉ chìm xuống trước mắt mà không làm gì được, thật đau xót!
Cảng Cửa Tùng là 1 trong 2 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tỉnh Quảng Trị, được chỉ định cập cảng để giám sát sản lượng, chứng nhận nguồn gốc và kiểm tra các yêu cầu liên quan đến việc ra khơi. Tấm thẻ vàng IUU mà Uỷ ban châu Âu đang áp dụng với thủy sản Việt Nam là do không đáp ứng được yêu cầu này.
Vài năm trở lại đây cảng Cửa Tùng bị bồi lắng nghiêm trọng, độ sâu chỉ còn 0,5 - 1m, chỗ sâu nhất khoảng 1,5m, nhiều tàu cá từ 12m trở lên phải nằm bờ, tàu trên 15m hầu như không hoạt động được!
Ngày 7/5/2024, 10 chủ tàu ngoại tỉnh và 11 pháp nhân kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng. Họ mong mỏi một điều duy nhất: tình trạng bồi lắng được giải quyết để an tâm bám biển và phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Quảng Trị đang tích cực gỡ thẻ vàng IUU, chạy nước rút trước cuộc kiểm tra của Uỷ ban châu Âu vào cuối năm nay. Nhưng, tình hình thật sự khó khăn, với chiều dài đường bờ biển 75km, chỉ còn lại cụm cảng Bắc và Nam Cửa Việt có thể chỉ định tiếp nhận tàu cá là rất bất tiện với ngư dân.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2023, tại 2 cảng cá chỉ định là Cảng cá Cửa Việt, Cảng cá Cửa Tùng chỉ có khoảng 1.541 lượt tàu (chủ yếu là tàu cá có chiều dài 15m trở lên) cập cảng bốc dỡ sản lượng hải sản hơn 1.000 tấn/17.794 tấn thủy sản khai thác của toàn tỉnh - con số quá khiêm tốn. Hiện nay tàu trên 15m không thể trực tiếp vào cảng Cửa Tùng, gây trở ngại lớn cho nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU.
Vướng ở đâu?
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND Thị trấn Cửa Tùng bày tỏ: “địa phương rất mong muốn tỉnh và huyện nhanh chóng có phương án nạo vét luồng lạch cảng, tạo điều kiện cho người dân ra khơi đánh bắt, hoạt động hậu cần nghề cá”. Ông đề đạt, tỉnh giao cho huyện nhiệm vụ này.
Trước đó, tháng 8/2023, UBND huyện Vĩnh Linh đã có tờ trình về việc phê duyệt phương án nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng, kết hợp thu hồi sản phẩm sau nạo vét làm vật liệu san lấp theo hình thức xã hội hóa.
Tháng 10/2023 UBND tỉnh có công văn số 5284/UBND-KT về việc xem xét giải quyết phương án nạo vét như trên. Đồng thời, trước mắt giao cho Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn Cửa Tùng thực hiện nạo vét khẩn cấp, sản phẩm tận thu được tập kết tại 02 vị trí có tổng diện tích 16.700m2.
Đến ngày 28/5/2024, công ty này vẫn chưa triển khai! Trước đó, ngày 6/5/2024 Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn Cửa Tùng tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND huyện Vĩnh Linh về việc cho phép nạo vét luồng lạch cảng Cửa Tùng!
>>Quảng Trị: Nỗi oan khuất của một con đường
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị, nói: "có hai phương án, một là nhấn chìm sản phẩm sau nạo vét, nhưng rất lãng phí vì cát biển có thể tận dụng san lấp mặt bằng"
Phương án còn lại, tối ưu hơn, các địa phương cần quy hoạch bãi tập kết sản phẩm sau nạo vét, sau đó Sở Tài chính sẽ chủ trì hướng dẫn đấu giá. Ví dụ, chi phí nạo vét hết bao nhiêu sẽ cho đấu giá đủ để doanh nghiệp bù lại, việc này do phía doanh nghiệp đề xuất, số sản phẩm còn dôi dư sẽ sung vào ngân sách. “Nhưng đến thời điểm này Sở chưa nhận được đề xuất nào cả” - ông Quảng cho biết.
Có thể bạn quan tâm