Tỉnh Quảng Trị đang bùng nổ hạ tầng công nghiệp, nhà máy sản xuất, vấn đề cần thiết nhất lúc này là hỗ trợ nhà đầu tư để nhiều dự án lớn sớm hoàn thành đi vào hoạt động.
Sau khi sáp nhập tỉnh, Quảng Trị sở hữu nhiều dự án kinh tế lớn, trọng điểm đang triển khai. Làm sao để các dự án này hoàn thành, đi vào hoạt động, đóng góp cho kinh tế địa phương - đang là nhiệm vụ cấp bách.
Mới đây lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với các nhà đầu tư dự án lớn để nghe báo cáo tiến độ; tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp để hỗ trợ.
Một trong những công trình kinh tế được kỳ vọng nhất là Cảng nước sâu Mỹ Thủy, do Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 14.234 tỷ đồng, diện tích 685ha, quy mô 10 bến cảng có thể đón tàu đến 100.000 DWT. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027 và dự kiến đi vào hoạt động cuối quý I/2026.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy phó công trường của nhà thầu chính, Liên danh Công ty Cổ phần FECON - Long Hải cho biết “đơn vị huy động hết công suất, làm việc 3 ca liên tục, chạy đua với thời gian để bàn giao bến cảng số 1 vào cuối năm 2025 và bến cảng số 2 vào đầu năm 2026”.
Theo báo cáo của đại diện MTIP, công ty đã thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đối với phần diện tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 133,46/133,67 ha; giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 mở rộng (43,44 ha); giai đoạn 2 và giai đoạn 3 (145,09 ha); hoàn thành công tác kiểm kê tài sản đối với diện tích thuộc quy hoạch; đồng thời triển khai thi công đồng bộ các hạng mục khác.
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Ban quản lý dự án MTIP khẳng định: “sau khi tái khởi công mọi việc suôn sẻ, lãnh đạo địa phương rất quan tâm tạo điều kiện, giữ đúng cam kết ban đầu - tận tâm tận lực hỗ trợ nhà đầu tư, nên chắc chắn dự án sẽ về đích đúng hẹn, trở ngại duy nhất là thời tiết thất thường”.
Trong không gian Khu kinh tế Đông Nam còn có dự án tổ hợp phối trộn, phân loại và bảo quản than Mỹ Thủy có quy mô khoảng 156 ha, tổng mức đầu tư 4.140 tỷ đồng. Mục tiêu của công trình này sẽ nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn than Lào mỗi năm, chế biến phối trộn cung cấp cho thi trường nội địa.
Công ty TNHH Capella Quảng Bình trên đà trở thành nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp lớn ở Quảng Trị với 2 khu công nghiệp mới, diện tích 450 ha tại xã Cam Hồng và 220 ha tại xã Nam Cửa Việt.
Đến nay công ty đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư Dự án cùng một số văn bản liên quan khác; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ gia đình, tổ chức liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong cam kết: “tinh thần chung của UBND tỉnh là hết sức ủng hộ và yêu cầu từng sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai nhanh, hiệu quả, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh”.
Trong những ngày đầu vận hành tỉnh mới, Quảng Trị đã cấp chủ trương đầu tư cho 4 khu, cụm công nghiệp lớn và một loạt nhà máy với tổng mức đầu tư gần nửa tỷ USD. Đây là sự khởi đầu đầy triển vọng, sẽ giúp kinh tế tỉnh nhà bứt tốc trong tương lai gần.
Quảng Trị đang tràn trề cơ hội thoát khỏi vòng luẩn quẩn “tỉnh nghèo”, tương lai được định hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ trong các ngành chủ lực như năng lượng sạch, logictics, kinh tế biên mậu và du lịch.