Nếu không có giải pháp căn cơ, cảng hàng hóa Cửa Việt sẽ biến mất hoàn toàn với tình trạng bồi lắng nhanh như hiện nay. Trước mắt đã và đang kìm hãm năng lực của doanh nghiệp.
Trước khi sáp nhập tỉnh, cảng Cửa Việt là cửa ngõ vận tải hàng hóa đường biển duy nhất của tỉnh Quảng Trị, sau ngày 1/7 khi về chung với Quảng Bình con cảng này cũng là công trình phục vụ vận tải biển duy nhất ở phía Nam tỉnh Quảng Trị (mới)!
Kìm hãm năng lực doanh nghiệp
Hiện có 4 doanh nghiệp chủ lực thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ kho bãi, hàng hóa, xuất nhập khẩu tại cảng Cửa Việt, bao gồm: Công ty cổ phần cảng Cửa Việt, Công ty TNHH MTV Hợp Thịnh, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt và Công ty cổ phần Tiến Phong.
Điều đáng tiếc là luồng lạch tại cảng Cửa Việt ngày càng bị bồi lắng nghiêm trọng, nhưng phản ứng của cơ quan hữu quan chưa thực sự nhanh nhạy, đã kìm hãm năng lực kinh doanh, sản lượng vận tải của nhiều doanh nghiệp.
Bằng chứng là từ tháng 10/2024 hiện tượng bồi lắng làm cạn một số điểm cục bộ, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất với Sở Giao thông Vận tải (cũ) và Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó kiến nghị lên Cục Hàng hải. Nhưng do vướng mắc thủ tục đánh giá tác động môi trường và địa điểm tập kết chất thải nạo vét nên dự án kéo dài sang năm 2025.
Số liệu so sánh từ Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cho thấy: trong thời gian từ tháng 1 - 6/2024 khi luồng chưa bị cạn, khối lượng xuất khẩu của công ty là 171.618 tấn. Nhưng 6 tháng đầu năm 2025 khối lượng giảm còn 95.452 tấn, tương đương 44%.
Đại diện Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, ông Võ Trường Giang trăn trở: “luồng lạch ra vào cảng Cửa Việt bị bồi lắng rất nhanh ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch kinh doanh của công ty, giảm sản lượng dẫn đến giảm nguồn thu, doanh nghiệp mong mỏi dự án được khởi công để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa”.
Dữ liệu hàng hóa từ Công ty TNHH MTV Hợp Thịnh cho biết, năm 2024 tổng khối lượng xuất nhập qua cảng Cửa Việt trung bình mỗi tháng 100.000 tấn, nhưng trong những tháng gần gây, đơn cử như tháng 2-3/2025 chỉ đạt 25.437 tấn.
Trong quá khứ cảng Cửa Việt từng đạt độ sâu lý tưởng 8m nước, do tác động của thay đổi khí tượng thủy văn, dòng chảy, hiện chỉ còn 2,5-3m nước. Những con tàu tải trọng lớn không thể ra vào.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Chung, Giám đốc Công ty cổ phần cảng Cửa Việt, cho biết: “trước đây năng lực vận tải của cảng này có thể đón tàu trên 2.000 tấn, hiện chỉ có thể đáp ứng được tối đa 1.300 tấn, do vậy nửa năm 2025 công ty mới đạt 40% kế hoạch được giao”.
Cần giải pháp căn cơ
Lần nạo vét gần đây nhất vào năm 2020, nhưng sau nhiều trận mưa bão “thổ lại hoàn thổ”, đầu năm 2024 các doanh nghiệp hoạt động tại cảng đã “xin” chủ trương, tự bỏ tiền nạo vét tạm thời, nhưng đấy chỉ là giải pháp “nóng tay bắt lỗ tai” vẫn thiếu đi bản quy hoạch tái cấu trúc căn cơ cho cảng Cửa Việt.
Theo lý giải của những người am hiểu tình hình, vấn đề vướng mắc nhất là khâu xử lý vật liệu sau nạo vét. Nếu tập kết hàng trăm nghìn khối cát về cảng xăng dầu Việt Lào phía bờ Nam cảng, chỉ qua một mùa mưa bão đâu sẽ lại vào đấy! Mỗi lần nạo vét tốn rất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục theo quy định.
Một lãnh đạo doanh nghiệp có kinh nghiệm tại cảng đề xuất phương án: nên giao cho tư nhân đấu giá tận thu tài nguyên sau nạo vét, sử dụng làm vật liệu san lấp, xây dựng; hoặc có thể di dời chất thải đến vùng biển xa hơn sau đó nhấn chìm. Đồng thời nhanh chóng triển khai dự án xây kè chống trượt sạt.
Tháng 11/2023 Bộ Giao thông vận tải (nay là bộ Xây dựng) có Quyết định số 1050/QĐ-BGTVT về việc giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Hàng hải tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, trong đó có danh mục cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn cát luồng Cửa Việt. Nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.
Theo thông tin từ đại diện cảng vụ hàng hải Cửa Việt, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Cửa Việt, với tổng số vốn hơn 20,12 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong tháng 8/2025.
Nhìn về tương lai, hai cực Bắc và Nam tỉnh Quảng Trị sở hữu hai cảng nước sâu: cảng Hòn La mới được tăng cường đầu tư thêm 2.299 tỉ đồng để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT, công suất dự kiến đạt 6 triệu tấn/năm. Cảng Mỹ Thủy tổng vốn đầu tư hơn 14.234 tỷ đồng đang gấp rút thi công, dự kiến bến cảng đầu tiên sẽ hoạt động đầu năm 2026.
Tuy nhiên, đối với vùng phía Nam của tỉnh Quảng Trị, cảng nước sâu Mỹ Thủy còn ở thì tương lai - Cửa Việt vẫn là con đường độc đạo kết nối hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với biển Đông, trên hành lang kinh tế Đông - Tây!