Làm thế nào để giải bài toán “lấp đầy” khu công nghiệp ở Quảng Trị?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 04/05/2024 02:00

Tỉnh Quảng Trị hiện có 3 khu công nghiệp (KCN), hai khu kinh tế (KKT), 2 cửa khẩu quốc tế và 17 cụm công nghiệp. Làm sao để khai thác hết hệ thống hạ tầng này?

>> Quảng Trị: Sẵn sàng cung ứng điện cho công nghiệp

Thành lập vào năm 2008, diện tích 318 hecta, sau 17 năm hoạt động, mặc dù hạ tầng đã được đầu tư khá bài bản, nhưng khu công nghiệp (KCN) này vẫn còn gần 20% diện tích chưa có doanh nghiệp thuê mặt bằng.

 Một dự án trong KCN Quán Ngang. Ảnh THM

Một dự án trong KCN Quán Ngang. Ảnh THM

Nhìn từ Khu công nghiệp Quán Ngang

Xét về quy mô, lợi nhuận, đóng góp ngân sách và tạo ra công ăn việc làm - Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị là “sếu đầu đàn” ở KCN này, bên cạnh còn có nhà máy cấu kiện bê tông của Công ty cổ phần Trường Danh, Nhà máy phân bón Bình Điền, công ty may Gio Linh,…

Nói là hệ thống hạ tầng đã hoàn thiện, song KCN này vẫn tồn tại dai dẳng “nút thắt” - Nhà máy xử lý nước thải trị giá 104 tỷ đồng đã khởi công nhiều năm nhưng liên tục trễ hẹn. Từng xảy ra không ít sự vụ ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu doanh nghiệp.

Xu hướng đầu tư và phát triển “xanh” ngày càng phổ biến, doanh nghiệp làm ăn chân chính buộc phải đặt tiêu chí bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Nếu địa phương không có giải pháp quyết liệt, sẽ khó thu hút nhà đầu tư lớn.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, KCN trên địa bàn tỉnh là khoảng 1.030 tỷ đồng, trong khi đó tính cuối năm 2023, tổng số vốn đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ khoảng 250 tỷ đồng, mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 20% nhu cầu. Đến một nơi giàu tiềm năng bứt phá như cửa khẩu Quốc tế La Lay và Lao Bảo, việc nâng cấp hạ tầng, bến bãi, đường sá cũng rất chậm so với nhu cầu của doanh nghiệp.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà, ông Đỗ Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Phí thì thu đều mà cơ sở hạ tầng rất chậm hoàn thiện! Nhiều năm về trước, chuẩn bị vào mùa mưa là cán bộ cơ quan chức năng và doanh nghiệp, khách du lịch, hành khách 2 nước qua về tại cửa khẩu phải đi bằng ủng vì bùn đất lầy lội”. Hy vọng tình trạng này sẽ được cải thiện.

>> Sở Xây dựng Quảng Trị: Cùng doanh nghiệp phát triển

Trong nhiệm kỳ này (2020 - 2025) lãnh đạo tỉnh đã năng động và sáng tạo trong thu hút đầu tư, liên tục tổ chức những sự kiện lớn như “Gặp gỡ Thái Lan”, “Hội thảo khu thương mại xuyên biên giới”, khởi công cảng nước sâu Mỹ Thủy, xây dựng KCN Quảng Trị, cảng hàng không.

 Khu tái định cư dành đất cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị. Ảnh: Khắc Trà

Khu tái định cư dành đất cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị. Ảnh: Khắc Trà

Đến những “đại công trường”

Để hiện thực hóa các dự án trọng điểm, dự án động lực của tỉnh trong các KCN, KKT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đề xuất giải pháp: “5 sẵn sàng” gồm: sẵn sàng có quỹ đất, sẵn sàng kết nối hạ tầng, sẵn sàng nguồn lực; sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư; sẵn sàng đổi mới cải cách hành chính.

Nhìn thẳng vào thực tế, môi trường đầu tư chưa thật sự lý tưởng nếu so sánh với địa phương bạn. Đối với các dự án lớn, động lực, mới khởi công - để đến ngày “hái quả ngọt”- địa phương còn quá nhiều việc khó nhằn phải giải quyết.

KKT Đông Nam, trong ý tưởng là quần thể kinh tế công nghiệp đồ sộ, hội tụ những ngành công nghiệp hiện đại, có khả năng tạo ra giá trị lớn cho địa phương. Sau 10 năm thành lập đến nay…vẫn chưa có gì thành hình.

Cho dù Quảng Trị đã nỗ lực tháo gỡ nhiều vướng mắc ở tầng nấc vĩ mô. Tuy nhiên, những bất cập được cho là tiểu tiết, nhỏ nhặt, kinh điển,… lại ngáng chân nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai dự án đã đăng ký.

Đơn cử, đầu năm nay Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã rút lại dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 2,2 tỷ USD - trong khi khu tái định, dành không gian cho dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục, như: trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà sinh hoạt cộng đồng đều đã được di dời lên khu tái định cư.

Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Công tác chuyển mục đích sử dụng rừng kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các thủ tục như thuê đất, hoàn thành phương án nộp tiền trồng rừng thay thế để triển khai thi công dự án”.

Những khó khăn mang tính “tiền đề” này là đương nhiên, từng xảy ra ở nhiều địa phương trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp. Hơn nhau ở chỗ, lãnh đạo nhiệt huyết, cả hệ thống bộ máy “đồng hành” thực sự với doanh nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển Hải Lăng thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Quảng Trị

    Phát triển Hải Lăng thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Quảng Trị

    07:40, 24/04/2024

  • Quảng Trị cải thiện môi trường kinh doanh - Góc nhìn từ doanh nghiệp

    Quảng Trị cải thiện môi trường kinh doanh - Góc nhìn từ doanh nghiệp

    06:25, 23/04/2024

  • Tỉnh Quảng Trị đáp ứng thị trường lao động

    Tỉnh Quảng Trị đáp ứng thị trường lao động

    13:42, 21/04/2024

  • Thị xã Quảng Trị:p/Phát huy lợi thế, tạo thuận lợi hút đầu tư

    Thị xã Quảng Trị: Phát huy lợi thế, tạo thuận lợi hút đầu tư

    17:50, 20/04/2024

  • Hải quan Quảng Trị: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an ninh kinh tế

    Hải quan Quảng Trị: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an ninh kinh tế

    17:35, 20/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm thế nào để giải bài toán “lấp đầy” khu công nghiệp ở Quảng Trị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO