Lâm Đồng công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

THÙY LINH 23/06/2024 12:22

Ngày 23/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức trọng thể lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

>>PGI: Động lực phát triển kinh tế xanh ở Lâm Đồng

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng và đông đảo đại biểu.

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; phát triển giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý và bảo vệ rừng; xử lý ô nhiễm môi trường; bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.

Tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hệ thống đô thị bền vững; hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp; phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng. Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quy hoạch hệ thống đô thị, định hướng phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng. Gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới. 

Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng), 3 thị xã, 3 huyện. 

Trong đó, khu vực nội thành gồm: thành phố Đà Lạt mở rộng (thành phố Đà Lạt hiện hữu và huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, các xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); thành phố Bảo Lộc mở rộng (thành phố Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân); huyện Đức Trọng.

Khu vực ngoại thành gồm 3 thị xã Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và 3 huyện gồm Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai (huyện Đạ Huoai gồm 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên sáp nhập).

Các đại biểu dự hội nghị công bố quy hoạch

Các đại biểu dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Lâm Đồng sở hữu khí hậu, cảnh quan và những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, là tài nguyên quý giá cho sự phát triển, Lâm Đồng là địa phương khởi nguồn và là ví dụ mẫu mực về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Kể từ ngày 23/6, Cảng hàng không Liên Khương chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế, tới đây, sẽ có nhiều đường cao tốc kết nối Lâm Đồng với các địa phương, khu vực của cả nước... Để thu hút đầu tư thì một trong những vấn đề địa phương cần quan tâm hiện nay đó là cần nâng cao văn hóa ứng xử với nhà đầu tư, phải chia sẻ, đồng hành, chung lưng đấu cật với nhà đầu tư.

Về thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện tốt 8 chữ “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”. Tuân thủ để đảm bảo sự đúng hướng, phát triển bền vững trong tương lai; linh hoạt trong cách làm bởi để đạt được mục tiêu phải có nhiều cách, quá trình thực hiện quy hoạch chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập, cần phải điều chỉnh, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; phải tuyên truyền, vận động để cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ, đồng thuận, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Ông Võ Ngọc Hiệp -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. 

Trao giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ đầu tư cho doanh nghiệp tại hội nghị.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ đầu tư cho doanh nghiệp tại Hội nghị.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển hướng tới năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Lâm Đồng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Ông Võ Ngọc Hiệp cũng khẳng định: Tỉnh Lâm Đồng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.

Các dự án tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi thu hút ưu tiên đầu tư thời gian tới gồm 227 dự án, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).

Một số dự án trọng tâm, trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối vàng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Cao tốc Nha Trang Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; Tổ hợp nhà máy tuyến bauxit và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc…

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trao giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư cho 12 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Sáng 23/6, tại sân bay Liên Khương, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã chính thức trao quyết định công bố Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu một bước phát triển mới cho ngành GTVT của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Việc Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế là kết quả của nhiều năm nỗ lực của chính quyền tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị liên quan và người dân địa phương. Quyết định này được đưa ra dựa trên quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 5/2024.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ được mở rộng diện tích lên gần 487 ha, đón 5 triệu du khách mỗi năm. Sân bay sẽ tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ các nước trong khu vực và các nước châu Á khác.

Việc Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho du lịch Đà Lạt và Tây Nguyên. Du khách quốc tế sẽ dễ dàng di chuyển đến Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên hơn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Đây cũng là cơ hội để thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.

Sân bay Liên Khương được khởi công xây dựng vào năm 1933 và từng là sân bay quốc tế lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm năm 1961. Sau nhiều lần nâng cấp và mở rộng, sân bay Liên Khương hiện nay đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2. Với kiến trúc độc đáo mang dáng dấp của bông hoa dã quỳ, Cảng hàng không Liên Khương đã được trao giải Nhất Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2010.

Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới cho ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

  • Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất cây trồng có thể khai thác tín chỉ carbon

    Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất cây trồng có thể khai thác tín chỉ carbon

    09:20, 04/06/2024

  • Lâm Đồng: Đà Lạt kỉ niệm 130 năm thành lập

    Lâm Đồng: Đà Lạt kỉ niệm 130 năm thành lập

    08:40, 29/12/2023

  • “Những ngày Hà Nội tại Lâm Đồng”: Cơ hội phát triển giữa Hà Nội và Lâm Đồng

    “Những ngày Hà Nội tại Lâm Đồng”: Cơ hội phát triển giữa Hà Nội và Lâm Đồng

    09:29, 21/12/2023

  • Bất động sản Lâm Đồng “ấm” trở lại?

    Bất động sản Lâm Đồng “ấm” trở lại?

    01:00, 24/12/2023

THÙY LINH