Lý do một số quốc gia Đông Nam Á quan tâm tới BRICS

TRƯỜNG ĐẶNG 26/06/2024 04:00

Ngày càng nhiều quốc gia ASEAN bày tỏ sự quan tâm và cân nhắc việc gia nhập BRICS. Dù điều này có thể đem lại tiềm năng kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phụ thuộc lớn hơn.

Khối BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia tại Đông Nam Á

Khối BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia tại Đông Nam Á

Mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn trong môi trường kinh tế và chính trị toàn cầu là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều quốc gia Đông Nam Á muốn gia nhập nhóm BRICS. Thái Lan và Malaysia là những quốc gia mới nhất bày tỏ sự quan tâm đến BRICS.

>>Cơ hội lớn cho ngành năng lượng mặt trời Đông Nam Á

TS. Joseph Liow – Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Nhân văn và Nghệ thuật tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore – nói rằng các quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS đều bị thu hút bởi “tiềm năng tập thể” của khối này. “Đó là một phần trong tính toán của họ về lợi ích quốc gia và mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn của họ trên trường kinh tế toàn cầu”, TS. Joseph Liow nhận định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura ngày 20/6 vừa qua cho biết Thái Lan đã gửi yêu cầu chính thức gia nhập BRICS một tuần trước.

Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn ngày 16/6 trên Reuters, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết nước ông đã đưa ra quyết định gia nhập BRICS và sẽ sớm thực hiện các thủ tục chính thức. Tuyên bố của ông Anwar được đưa ra trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có chuyến thăm chính thức tới Malaysia từ ngày 18-20/6 vừa qua. Đây là Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên đến thăm Malaysia kể từ năm 2015.

Những quốc gia còn lại trong khối cũng đang nghe ngóng tình hình. Đầu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này vẫn đang nghiên cứu những lợi ích có thể đạt được khi tham gia BRICS.

Các nước khác như Myanmar và Lào trước đây đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối BRICS trong khi Singapore và Philippines vẫn chưa công khai quan điểm.

>>Doanh nghiệp viễn thông Đông Nam Á sụt giảm lợi nhuận vì đâu?

Lực hấp dẫn của BRICS

Ông Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS) ở Indonesia cho biết các nước bị ảnh hưởng bởi tiềm năng hợp tác về đầu tư, thương mại và tài trợ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế tổng hợp của các thành viên BRICS có giá trị lên tới hơn 28,5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia, hấp lực kinh tế là yếu tố chính khiến ASEAN quan tâm tới BRICS

Theo các chuyên gia, hấp lực kinh tế là yếu tố chính khiến ASEAN quan tâm tới BRICS

Ngoài các thành viên ban đầu như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, BRICS đã sớm kết nạp thêm Nam Phi (2010). Năm nay, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được mời trở thành thành viên nhóm này. Nếu triển vọng mở rộng BRICS thành hiện thực, giá trị kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng và tạo nên một sức hấp dẫn khó chối từ của khối này.

Trong khi đó, Tiến sĩ Alan Chong, Thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, đã mô tả BRICS là mạch lãnh đạo thay thế khi nói đến quản trị toàn cầu.

Lấy ví dụ về sự quan tâm của Malaysia trong việc gia nhập BRICS, Tiến sĩ Alan Chong nói rằng đây có thể là một cách để nâng cao chính sách đối ngoại của nước này. “Malaysia đã cố gắng vực dậy mối quan hệ đặc biệt đang bị đình trệ với Trung Quốc theo sáng kiến Vành đai và Con đường…”, ông Chong nói.

Nguy cơ phụ thuộc ngày càng lớn

Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều quốc gia ASEAN bày tỏ sự quan tâm và xem xét việc gia nhập BRICS, các nhà phân tích cũng đưa ra quan ngại rằng điều này có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Ông Bhima cho rằng việc các nước ASEAN tham gia BRICS có thể mang lại cho Trung Quốc vai trò lớn hơn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như các tranh chấp khác.

Ngoài vấn đề chính trị, có những lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là từ góc độ kinh tế, sẽ thêm nghiêm trọng khi gia nhập khối BRICS. “Điều này thực sự rất rủi ro, bởi Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu nội địa chậm lại trong ít nhất 2-3 năm tới và vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài sản. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn được dự đoán sẽ chậm lại, cũng sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực ASEAN”, ông Bhima nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Liow nói rằng chính trị trong BRICS có thể là một trở ngại, chẳng hạn như tư cách thành viên của các quốc gia có mối quan hệ song phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như Trung Quốc - Ấn Độ, hay Saudi Arabia - Iran. Theo đó, vấn đề này có thể là một rào cản tiềm năng cho sự phát triển và mở rộng của nhóm.

Trong khi một số quốc gia Đông Nam Á bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS thì cũng có những quốc gia khác có nhiều lý do khác nhau để giữ im lặng về vấn đề này.

Nhà kinh tế học Bhima cho rằng Singapore cảm thấy nếu không tham gia BRICS, nước này đã trở thành trung tâm đầu tư và tài chính cho nhiều công ty Trung Quốc. Trong khi đó, Philippines bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi vấn đề xung đột ở Biển Đông nên nước này đang giữ khoảng cách với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sức hấp dẫn về tiềm năng kinh tế của BRICS sẽ tiếp tục hỗ trợ sự mở rộng của khối này. “Nhiều quốc gia sẽ quan tâm đến việc gia nhập BRICS nếu các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra các gói đầu tư thực sự hấp dẫn, hạ thấp các rào cản xuất khẩu khác nhau đối với các nước thành viên BRICS, tăng cường sự kiện trao đổi kiến thức giữa các nhà lãnh đạo chính trị và mang lại sự chắc chắn hơn về các khoản vay cho dự án lớn mà phù hợp với chương trình nghị sự quốc gia”, ông Bhima nói.

Có thể bạn quan tâm

  • BRICS tiến thêm

    BRICS tiến thêm "bước dài" thúc đẩy phi đô la hóa

    04:00, 17/06/2024

  • BRICS vượt G7: Cán cân quyền lực đảo chiều

    BRICS vượt G7: Cán cân quyền lực đảo chiều

    04:30, 15/11/2023

  • Vì sao BRICS khó đưa ra đồng tiền chung?

    Vì sao BRICS khó đưa ra đồng tiền chung?

    03:30, 20/09/2023

  • BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?

    BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?

    05:00, 19/09/2023

TRƯỜNG ĐẶNG