BRICS vượt G7: Cán cân quyền lực đảo chiều

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 15/11/2023 04:30

Theo một nghiên cứu mới đây của Bloomberg, tỷ trọng GDP của BRICS sẽ gấp đôi G7 vào năm 2040. Cán cân quyền lực đã nghiêng về phía Đông bán cầu.

BRICS đã chính thức vượt qua G7 về quy mô kinh tế

BRICS đã chính thức vượt qua G7 về quy mô kinh tế

>>BRICS mở rộng sẽ "đuổi kịp" Mỹ và phương Tây?

Một báo cáo mới đây của Bloomberg cho thấy, tỷ trọng GDP tính theo sức mua của các nền kinh tế thuộc khối BRICS, gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ vượt xa tỷ trọng của G7 với các thành viên Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đức và Nhật Bản.

Theo đó, từ năm 2022 BRICS chiếm 37% GDP toàn cầu, còn G7 đóng góp 30%. Đáng chú ý dự báo cho rằng, đến năm 2040 tỷ trọng GDP của BRICS tăng lên 45%, trong khi G7 chỉ ở mức 21% GDP toàn cầu. Vậy nguyên nhân do đâu?

Thứ nhất, khối BRICS đang sở hữu lực lượng lao động dồi dào. Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ tháng 5/2023. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nước này mới 51%, đặc biệt chỉ 25% nữ giới ở đất nước Nam Á tham gia thị trường lao động, có nghĩa là còn lượng lớn nguồn nhân lực chưa được khai thác.

Lực lượng lao động là yếu tố quyết định đến khả năng phát triển đến đỉnh cao của một quốc gia, điều đó đã được chứng minh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ trong khoảng thời gian sau thế chiến II đến những năm 90 và tại Trung Quốc từ những năm 80 đến nay.

Trong khi các nước “tư bản già” đã đi đến đỉnh của sự phát triển về kinh tế do dân số già hóa, thì nhiều thành viên BRICS như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil còn đội quân công nghiệp dự trữ khổng lồ.

Thứ hai, nghiên cứu của Bloomberg chỉ ra BRICS có khả năng tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới. Trung Quốc rõ ràng là “anh cả” của toàn khối; dĩ nhiên Ấn Độ, Nam Phi hay Brazil cũng rất giàu tiềm lực “chất xám” để nghiên cứu và sáng tạo.

Đơn cử, thung lũng Silicon Bangalore ở Ấn Độ được dự báo sẽ vượt qua Silicon Valley ở California (Mỹ). Đây là nơi tập trung mật độ cao các khu công nghệ cao về nghiên cứu và phát triển, thiết bị điện tử và phần mềm; nông nghiệp và các dịch vụ liên quan cùng với công nghệ tăng trưởng mạnh mẽ.

Nói như các nhà báo đã từng đến Bangalore, tại đây “dân công nghệ” đầy đường, thống kê cụ thể cho hay: thành phố điện tử này có 1,85 triệu/4,5 triệu lao động công nghệ trong toàn quốc, tạo ra doanh thu 17 tỷ USD/năm.

>>Tham vọng lớn còn dở dang của BRICS

Dầu mỏ là một trong những

Dầu mỏ là một trong những "vũ khí" của BRICS

Thứ ba, BRICS mở rộng sẽ kết nạp những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới như: Saudi Arabia, Nga, UAE và Iran, cũng như một số nhà nhập khẩu dầu lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Riêng giá trị xuất khẩu năng lượng của Saudi Arabia dao động từ 150 - 200 tỷ USD mỗi năm. Iran có một nửa quyền quyết định tuyến đường vận tải 21 triệu thùng dầu mỏ/ngày qua eo biển Hormuz, chiếm 1/4 lượng dầu tiêu thụ trên thế giới.

Sự lớn mạnh của BRICS sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề khiến cán cân quyền lực Đông - Tây thay đổi. Nếu đồng tiền chung của BRICS ra đời, nó sẽ có không gian hoạt động lớn hơn, ít nhất là tương đương với quy mô kinh tế mà khối này nắm giữ. Nắm được nguồn cung tiền tệ là chỉ huy kinh tế thế giới.

Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng là công cụ đầy sức mạnh ngày càng xa rời phương Tây, giúp cho phương Đông kiểm soát kinh tế toàn cầu. Cho dù năng lượng tái tạo được cổ súy, nhưng trong ít nhất 50 năm tới, dầu mỏ vẫn là chìa khóa trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng tiền chung BRICS sẽ thách thức USD?

    Đồng tiền chung BRICS sẽ thách thức USD?

    05:00, 23/10/2023

  • Vì sao BRICS khó đưa ra đồng tiền chung?

    Vì sao BRICS khó đưa ra đồng tiền chung?

    03:30, 20/09/2023

  • BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?

    BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?

    05:00, 19/09/2023

  • "Hé lộ" tham vọng lớn của BRICS+

    03:30, 15/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
BRICS vượt G7: Cán cân quyền lực đảo chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO