Thông tư 02 được gia hạn: Lại lo “bức màn che nợ xấu”

KHÔI NGUYÊN 26/06/2024 03:00

Việc Thông tư 02 được gia hạn sẽ giúp ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, đồng thời cũng gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây như "bức màn che nợ xấu" bởi quy mô, tỉ lệ nợ xấu thực sự sẽ "ẩn mình"…

Đây là bình luận của PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM xung quanh việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợgiữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.

>>Gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ: Cần đánh giá kỹ đối tượng áp dụng

IHIHIHIH

Thông tư 06 đã cho phép kéo dài thêm 6 tháng thời hạn thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đến hết ngày 31/12/2024. Ảnh minh hoạ

Theo đó, NHNN vừa chính thức ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Cụ thể, Thông tư 06 đã cho phép kéo dài thêm 6 tháng thời hạn thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đến hết ngày 31/12/2024.

Bình luận về nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng những tháng đầu năm 2024, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, tín dụng tăng trưởng chậm.

Vì thế, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đến hết 31/12/2024 sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, phù hợp với chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế.

Về phía các ngân hàng, việc kéo dài chính sách cơ cấu nợ cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, đồng thời giảm áp lực nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng đột biến, các khoản nợ nhảy nhóm khi thông tư này hết hiệu lực vào cuối năm. Chuyên gia tài chính -  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ lo ngại về mặt trái của chính sách này. Đó là việc có những doanh nghiệp tích cực tận dụng chính sách như kể trên, nhưng cũng sẽ có những doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội từ nguồn vốn này, do đó nếu ngân hàng cứ cho vay sẽ tăng gánh nặng cho bản thân doanh nghiệp, nợ xấu cũng tăng cao, kéo theo nguy cơ mất vốn.

Theo ông Thịnh, rõ ràng chính sách này có những mặt tích cực nên cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều mong chờ việc giãn, hoãn nợ. Song để phát huy mặt tích cực của chính sách, các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc, phải sử dụng vốn hiệu quả, đặt ra mục tiêu trả nợ và lãi vay.

Đồng thời ngân hàng cũng phải kiểm tra giám sát các doanh nghiệp, đánh giá đúng những doanh nghiệp nào có khả năng hồi phục, có khả năng trả nợ vay và lãi vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc cũng như cấp vốn cho sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ tạo nên thế bền vững cho cả hai bên”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

>>Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

ihihih

Chuyên gia lo ngại có những doanh nghiệp tích cực tận dụng chính sách như kể trên, nhưng cũng sẽ có những doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội từ nguồn vốn này, do đó nếu ngân hàng cứ cho vay sẽ tăng gánh nặng cho bản thân doanh nghiệp, nợ xấu cũng tăng cao, kéo theo nguy cơ mất vốn. Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm, chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, phục hồi chậm cả trong và ngoài nước dẫn đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hệ quả là nợ xấu đang có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng, có thể tạo nên làn sóng phát mãi tài sản cũng như làn sóng phá sản của doanh nghiệp.

Do đó, việc kéo dài Thông tư 02 giúp các ngân hàng có thêm thời gian đối phó, xử lý nợ xấu và cũng gỡ khó cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, có kế hoạch trả nợ phù hợp. Khi tình hình kinh tế tốt hơn, doanh nghiệp có khả năng trả được những khoản nợ.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, ông Huân cũng cho rằng, chính sách này cũng có mặt trái khi đây như là "bức màn che nợ xấu" bởi quy mô, tỉ lệ nợ xấu thực sự sẽ "ẩn mình" vì chưa phải trả, các nhóm nợ vẫn được giữ nguyên.

Nếu cuối năm nay NHNN không kéo dài thêm thông tư, lúc đó tỉ lệ nợ xấu có thể tăng lên rất lớn, thậm chí gấp đôi gấp ba so với con số hiện nay nếu các doanh nghiệp vẫn chưa tăng được dòng tiền, hiệu quả kinh doanh chưa cải thiện. Điều này có thể gây ra một cú sốc tâm lý với nhà đầu tư và người dân, tạo rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng.

Cách chúng ta đang xử lý nợ xấu hiện tại giống như việc làm mát một động cơ đang quá nóng, nhưng qua đó cũng ảnh hưởng đồng hồ đo nhiệt độ. Song nhìn chung việc gia hạn nợ vẫn là giải pháp mang tính tình thế tốt nhất hiện nay, bởi với tiềm lực của các doanh nghiệp hiện tại, tình hình bất động sản vẫn còn khó khăn, rất khó để xử lý nợ xấu và khó để có giải pháp tối ưu hơn”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Có nên tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023?

    Có nên tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023?

    03:30, 19/05/2024

  • Tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi

    Tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi

    05:00, 23/04/2024

  • Gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội để doanh nghiệp “hồi sức”

    Gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội để doanh nghiệp “hồi sức”

    03:00, 23/02/2024

  • Gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ: Cần đánh giá kỹ đối tượng áp dụng

    Gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ: Cần đánh giá kỹ đối tượng áp dụng

    00:30, 22/02/2024

  • Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

    Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

    04:00, 15/01/2024

KHÔI NGUYÊN