Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhiều ý kiến cho rằng, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội phục hồi…
>> Nên “nới” Thông tư 02 thêm 1 năm
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc khơi thông dòng chảy tín dụng, mới đây Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Đặc biệt, nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư này thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024.
Theo ông Tú, đây là chính sách giúp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng nếu lạm dụng quá thì đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia, theo như thế giới cảnh báo. Bởi vì chính sách này là giấu đi một số khoản nợ xấu, khiến nó âm ỉ.
Đồng thời cho rằng, đến hết năm 2024 sẽ đánh giá lại chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì nghiên cứu cơ chế khác hỗ trợ.
Thực tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02/2023/TT-NHNN là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu, việc Thông tư này hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn.
>> Tín dụng có tín hiệu tăng tốc trở lại
Xoay quanh vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2022/TT-NHNN là phù hợp bởi, không chỉ giúp ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, thêm cơ hội để phục hồi.
Nhìn nhận về việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN theo 6 tháng, thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024, thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, nợ xấu của các nhà băng dự báo sẽ đạt đỉnh vào quý II. Do vậy, việc kéo dài Thông tư này thêm 6 tháng là hợp lý.
“Với tín hiệu tích cực của kinh tế trong quý I, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ có sự hồi phục mạnh. Kỳ vọng rằng sau khi đạt đỉnh, nợ xấu sẽ giảm và thời hạn kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng là đủ để doanh nghiệp xoay xở, chi trả khoản nợ. Về phía ngân hàng cũng có thời gian tái cơ cấu nợ, “cứu” được những khoản nợ có thể “hồi sinh”, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không ở mức quá cao”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm nêu trên, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng cho rằng, kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng là nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng. Điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp có khoảng thời gian thu xếp trả được nợ, hỗ trợ rất tốt cho thanh khoản và kế hoạch tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Doanh nghiệp vẫn được duy trì tín nhiệm tín dụng và có thêm thời gian tái cơ cấu tình hình tài chính của mình, không bị áp lực về chuyển nhóm nợ xấu. Phía ngân hàng cũng có thêm thời gian sắp xếp lại danh mục tài sản của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TS. Lê Duy Bình cũng lưu ý, không nên kéo dài gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN quá lâu và Ngân hàng Nhà nước nên phát đi thông điệp đây là lần cuối cùng gia hạn Thông tư này. Bởi, nền kinh tế đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tình hình hấp thụ vốn tích cực hơn, trong bối cảnh đó, phải để thị trường vận hành theo đúng quy luật và nguyên tắc thương mại, không nên kéo dài các hình thức hỗ trợ quá lâu sẽ không đảm bảo được tính kỷ luật của thị trường, ảnh hưởng tới chất lượng tài sản có của ngân hàng, làm giảm nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp.
Xoay quanh vấn đề này, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện tại, nếu không gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, các ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, bởi, phải hạch toán trở lại theo đúng nhóm nợ và rất có thể trong số đó có nhiều khoản nợ phải chuyển nhóm sâu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí lợi nhuận giảm mạnh. Việc kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư này không chỉ giãn quá trình xử lý nợ, mà còn giúp tiến trình trích lập dự phòng rủi ro diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính. Đồng thời, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng.
Được biết, việc các tổ chức tín dụng áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển. Và theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng lũy kế đến 31/12/2023, đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nên “nới” Thông tư 02 thêm 1 năm
03:52, 15/04/2024
Cơ hội tiếp vốn cho doanh nghiệp từ gia hạn Thông tư 02
03:30, 09/04/2024
Cân nhắc thời gian gia hạn Thông tư 02/2023: Khó... “ló” cơ cấu lại nợ
02:30, 25/03/2024
Cân nhắc thời gian Gia hạn thông tư 02/2023: Giải pháp tình thế
14:28, 05/03/2024
Gia hạn Thông tư 02/2023: Cân nhắc kỹ thời hạn áp dụng
03:30, 05/03/2024