Trước bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm tăng nhanh, nhiều ý kiến cho rằng việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm là cần thiết...
>> Tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi
Theo đó, bức tranh kinh doanh quý đầu năm của ngành ngân hàng đã lộ diện. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng nhiều nhà băng vẫn có tăng trưởng lợi nhuận tốt. Dù vậy, nợ xấu vẫn là "điểm nóng" tại không ít ngân hàng. Cụ thể, trong quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 vọt tăng thêm 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV/2024. Tỷ lệ nợ xấu trung bình cả hệ thống ngân hàng thương mại là 2,18%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Đáng nói, trong khi nợ xấu liên tục tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm khi tốc độ tăng dự phòng không đuổi kịp mức tăng của nợ xấu. Thực tế cho thấy, sau khi hồi phục nhẹ trong quý cuối năm trước, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý đầu năm 2024 đã giảm hơn 7 điểm % xuống còn 87%, mức thấp nhất kể từ cuối quý III/2023.
Trước tình hình gia tăng của nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, tức là sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới đây như quy định hiện hành.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt, Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
>> Nên “nới” Thông tư 02 thêm 1 năm
Do đó, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế. Đồng thời góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, đối với tổ chức tín dụng, việc kéo dài thông tư đến hết năm 2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến cuối năm nay sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ cho khách hàng.
Đồng tình với việc gia hạn Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, việc cơ cấu, giãn hoãn nợ được đánh giá là rất hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 là cần thiết.
Thời điểm trước đó, Thông tư 02 được áp dụng trong thời gian chưa đủ dài để doanh nghiệp có thể phục hồi, thụ hưởng một cách đầy đủ, trọn vẹn.
“Bản thân mỗi để án hoặc giải pháp về tài chính đều cần độ trễ nhất định. Nếu kéo dài Thông tư 02 thì các doanh nghiệp sẽ có thời gian để bình ổn, huy động thêm các dòng tiền để hoàn trả các khoản nợ vay. Đồng thời thị trường cũng sẽ phục hồi tốt hơn”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh nhận định, nếu không gia hạn Thông tư 02 thì các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản lớn do tình hình kinh tế 2024 phục hồi chậm hơn so với dự kiến trước đó và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Huân, Thông tư 02 giúp cho ngân hàng sẽ không phải thực hiện quy trình xử lý nợ xấu, tạm thời hoãn lại vì khi thực hiện quá trình xử lý nợ xấu như phát mại tài sản của doanh nghiệp để thu hồi nợ thì sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức. Bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ mất tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Đồng thời, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng khó khăn ở thời điểm hiện tại vì thị trường bất động sản đang khó khăn, trong khi đa số tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản. Nếu phát mại tài sản, có thể gây ra khủng hoảng đối với thị trường bất động sản do nguồn cung quá lớn”, ông Huân chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề đã nêu, chuyên gia này cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro về nợ xấu khi thông tư này hết hiệu lực. Khi đó, nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tài chính. Do đó, ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Để giải quyết nợ xấu, có hai vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi
05:00, 23/04/2024
Nên “nới” Thông tư 02 thêm 1 năm
03:52, 15/04/2024
Cơ hội tiếp vốn cho doanh nghiệp từ gia hạn Thông tư 02
03:30, 09/04/2024
Cân nhắc thời gian gia hạn Thông tư 02/2023: Khó... “ló” cơ cấu lại nợ
02:30, 25/03/2024
Gia hạn Thông tư 02/2023: Cân nhắc kỹ thời hạn áp dụng
03:30, 05/03/2024