Hà Nam: Để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao
Để những chính sách đi vào thực tiễn nhanh hơn, thực chất và hiệu hơn, Sở Công thương tỉnh Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.
>>> Hà Nam nâng cao PCI từ những mục tiêu cụ thể
Kết quả khảo sát thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI năm 2023 do VCCI công bố cho thấy, chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” của Hà Nam đạt 7,10 điểm, tăng 1,42 điểm so với năm 2022, xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh/thành được khảo sát. Đáng chú ý, đây là điểm số cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua của địa phương này. Điều đó cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Theo Sở Công thương Hà Nam, trong cách tính điểm PCI, chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” có trọng số 20% trong tổng điểm PCI, mang tính chất quan trọng quyết định thứ hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Do đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cùng các sở, ngành đều dành sự quan tâm “đặc biệt” trong việc áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nam – Hoàng Chí Dũng cho biết, Sở Công thương Hà Nam với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu, giúp việc UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh trong việc cải thiện chỉ số thành phần "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp" đã tiếp tục chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Theo ông Hoàng Chí Dũng, hàng năm, Sở Công thương luôn ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai nhiệm vụ được giao. Sở đặt mục tiêu là duy trì các chỉ số cơ sở đã đạt kết quả tốt, đồng thời cải thiện các chỉ số cơ sở còn thấp, góp phần cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam.
Để thực hiện, Sở thường xuyên tổ chức nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội, hội doanh nghiệp, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực ngành phụ trách về UBND tỉnh giải quyết. Chất lượng các cuộc đối thoại doanh nghiệp luôn được đổi mới và nâng cao nhằm tiếp nhận và trả lời các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp một cách kịp thời, thỏa đáng.
Đồng thời, Sở tăng cường sự phối hợp với các ngành liên quan để có giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng một số nội dung trong Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” như: thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp; thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật; thủ tục để hưởng hỗ trợ từ các FTA.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo ông Hoàng Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nam, xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ; nó có vai trò trong việc hỗ trợ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, giúp cho việc bán hàng dễ dàng và năng động hơn. Từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đạt doanh thu cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên thị trường một cách hiệu quả với nguồn lực của mình.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương Hà Nam đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Dũng cho biết, Sở Công thương thường xuyên hướng dẫn và thông báo mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại nước ngoài nhằm quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường do Bộ Công Thương tổ chức. Đồng thời, Sở phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, Báo Hà Nam, Trang thông tin điện tử tổng hợp của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA và Hiệp định RCEP. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến những cam kết của Việt Nam, cung cấp thông tin những quy định trong Hiệp định, cập nhật tình hình thị trường để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, rào cản thương mại của các nước thành viên trong các Hiệp định nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá.
Ngoài ra, chương trình “Kết nối giao thương” giữa doanh nghiệp Hà Nam với doanh nghiệp các tỉnh thường xuyên được tổ chức nhằm kết nối giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là thế mạnh của tỉnh. Các sàn thương mại điện tử, trang thương mại điện tử cũng là một kênh hiệu quả, giúp doanh nghiệp vừa quảng bá hình ảnh, thương hiệu, vừa kết nối cung cầu giữa nhà phân phối và người tiêu dùng.
>>> Ngành Thuế Hà Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, người nộp thuế
>>> Công an tỉnh Hà Nam: Doanh nghiệp đã chủ động về PCCC
Thúc đẩy phát triển công nghiệp
Phát triển công nghiệp luôn là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hà Nam nhiều năm qua nhằm thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển, tạo động lực thu hút đầu tư và nguồn việc làm dồi dào cho lao động địa phương.
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hà Nam sẽ phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn… Do đó, ngoài việc ưu tiên thu hút, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn, các cụm công nghiệp được thành lập với mục đích tạo mặt bằng cho các cơ sở sản xuất thuộc diện giải tỏa, cơ sở trong các làng nghề di dời ra khỏi khu dân cư, đồng thời thu hút các nhà đầu tư về công nghiệp hỗ trợ, có công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, từ đó tạo lực đẩy toàn diện cho ngành công nghiệp vốn được coi là ngành mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Theo quy hoạch, Hà Nam dự kiến thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805 ha. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ có 30 CCN, tổng diện tích khoảng 1.196ha. Tỉnh cũng huy động các nguồn lực tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các công trình, dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp, hạ tầng cảng thủy nội địa,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Chí Dũng cho biết, trên tinh thần đó, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện tốt Phương án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo quỹ đất dành cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thuê đất thực hiện dự án. Theo phương án này, các cụm công nghiệp được thành lập sẽ có tính chất đa ngành, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã thành lập.
Đại diện công ty CP Phát triển hạ tầng công nghiệp Hà Nam – chủ đầu tư cụm công nghiệp Trung Lương (huyện Bình Lục) cho biết, cụm công nghiệp Trung lương mở rộng có quy mô 58,1ha sẽ là CCN tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, doanh nghiệp nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ tối đa của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Các thủ tục hành chính của tỉnh đã được giảm bớt, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng chi phí cơ hội cho doanh nghiệp.
“Với chủ trương chung về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh Hà Nam, doanh nghiệp đã chú trọng đẩy nhanh đầu tư, tập trung nhân lực, vật lực để đảm bảo tiến độ dự án, tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng khung của dự án được UBND tỉnh Hà Nam giao, phấn đấu lấp đầy trong thời gian nhanh nhất có thể”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
|
Có thể bạn quan tâm
Bản lĩnh - Tài năng của nữ doanh nhân tỉnh Hà Nam
06:15, 08/06/2024
Công an tỉnh Hà Nam: Doanh nghiệp đã chủ động về PCCC
01:05, 02/06/2024
Tỉnh Hà Nam phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
20:00, 31/05/2024
Huyện Thanh Liêm (Hà Nam) - Điểm sáng trong thực hiện Đề án 06
14:50, 27/05/2024