Cổ phiếu Nvidia "bốc hơi" mạnh, ngành chip toàn cầu rúng động
Cổ phiếu ngành chip toàn cầu chứng kiến giao dịch không ổn định sau khi cổ phiếu của Nvidia sụt giảm mạnh trong những phiên trước đó.
Tác động lên ngành công nghệ toàn cầu
Suốt 3 ngày sau khi đạt cột mốc kỷ lục về vốn hóa, cổ phiếu của Nvidia đã sụt giảm mạnh liên tiếp – mất 13% từ đỉnh. Tuy nhiên, đà tăng trở lại của cổ phiếu này đã phần nào giảm bớt sự lo lắng của thị trường. Vào thứ Ba tuần này, cổ phiếu Nvidia đóng cửa tăng gần 7%, đảo ngược đà giảm ba ngày liên tiếp.
>>Mỹ đang làm gì với ngành AI Trung Quốc?
Cổ phiếu của các công ty chip ở châu Âu và châu Á cũng đã sụt giảm mạnh cùng Nvidia khi các nhà đầu tư choáng váng với việc công ty số 1 về chip AI mất hơn 500 tỷ USD vốn hóa thị trường trong ba ngày giao dịch.
Tại châu Âu, cổ phiếu ASML - gã khổng lồ thiết bị chip Hà Lan – cũng giảm mạnh theo đà cổ phiếu Nvidia. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã phục hồi trong ngày để đóng cửa tăng 0,18% trong ngày thứ Ba. ASML cũng là một nhân tố chủ chốt trong thị trường bán dẫn toàn cầu khi nắm giữ các máy quang khắc cực tím (EUV) để sản xuất mạch tích hợp.
Dù vậy, nhiều công ty khác vẫn chưa cho thấy tín hiệu tươi sáng hơn. STMicroelectronics có trụ sở tại Thụy Sĩ đã kết thúc ngày giảm hơn 1,4%. Soitec giảm 0,1%, còn ASMI tăng 0,6% sau khi giảm đầu phiên. Stoxx 600 toàn châu Âu đóng cửa giảm khoảng 0,3%.
Cổ phiếu bán dẫn châu Á cũng có một ngày thứ Ba đầy biến động. Cổ phiếu của công ty chip Đài Loan MediaTek giảm 1,8%, trong khi cổ phiếu của Samsung giảm 0,3%. TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và SK Hynix là những cái tên hiếm hoi tránh được tâm lý tiêu cực sau khi tăng lần lượt 0,5% và 0,9%.
Triển vọng ngành chip có bị ảnh hưởng?
Cú sập của cổ phiếu Nvidia gần đây khiến một số nhà đầu tư lo lắng rằng sự phấn khích về vai trò quan trọng mà công ty dự kiến sẽ đảm nhận trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo có thể đang nguội dần.
Jim Reid, chiến lược gia nghiên cứu tại Deutsche Bank, nhận định: “Mặc dù chúng tôi tin tưởng vào AI, nhưng đã có những dấu hiệu hưng phấn quá mức ở thị trường Mỹ trong tháng qua”.
Về phần mình, Nvidia cho biết nhu cầu về các đơn vị xử lý đồ họa trí tuệ nhân tạo hay GPU được cho vẫn ở mức cao. Các công ty bao gồm Microsoft, Google , Amazon , Oracle và Meta đang tranh giành các sản phẩm chip trị giá hàng tỷ USD của Nvidia để cung cấp năng lượng cho trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây.
Cuối năm nay, Nvidia sẽ bắt đầu xuất xưởng chip AI thế hệ tiếp theo, được gọi là Blackwell. Sản phẩm này được một số nhà phân tích cho rằng có thể khởi động một chu kỳ tăng trưởng đáng kể khác cho nhà sản xuất chip và các đối tác của họ.
>>AI sắp "bùng nổ" tại châu Á
Thực tế, hiệu quả tài chính mạnh mẽ của Nvidia và vị thế thống trị của công ty trên thị trường AI đang sôi động được cho là sự đảm bảo đà doanh thu sẽ bền vững trong tương lai. Cổ phiếu Nvidia đã tăng vọt hơn 161% từ tháng 1 năm 2024. Động lực chính là triển vọng kinh doanh của tập đoàn vẫn tươi sáng nhờ các sản phẩm chip sẽ cung cấp năng lượng cho các hệ thống AI, bao gồm cả AI tạo sinh.
Vốn hóa thị trường của Nvidia hiện vẫn ở mức 3,10 nghìn tỷ USD, tụt xuống vị trí thứ ba sau Microsoft và Apple. Jochen Stanzl, Giám đốc phân tích thị trường tại sàn giao dịch CMC Markets: “Những gì chúng tôi thấy ở Nvidia là sự biến động điển hình, điều được mong đợi khi một cổ phiếu tăng nhanh như Nvidia đã làm”.
Nvidia là thành viên của nhóm được gọi là Magnificent Seven – nhóm 7 công ty công nghệ có sức ảnh hưởng lớn nhất thị trường Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã tăng 24,2% trong năm 2023, so với mức tăng trung bình hơn 100% của cổ phiếu Magnificent Seven.
Bất chấp triển vọng tích cực, một số nhà phân tích cũng bày tỏ lo ngại về cơn sốt AI ảnh hưởng tới giá cổ phiếu Nvidia. Mức tăng nhanh cùng với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ tiềm tàng như AMD hay Intel được coi là rủi ro tiềm ẩn. Chưa kể, khả năng sinh lời từ các khoản đầu tư khổng lồ cho AI chưa tương xứng với kỳ vọng cũng là một lý do khác để những nhà đầu tư cẩn trọng.
Gần đây, ngân hàng Wells Fargo đã đưa ra cảnh báo rằng các nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ “được định giá quá cao”. Theo ngân hàng này, chỉ có 5 công ty dịch vụ truyền thông và công nghệ vốn hóa lớn đóng góp đa số vào mức tăng của chỉ số S&P 500 trong năm 2024 cho thấy một tín hiệu đáng chú ý.
“Tỷ suất lợi nhuận trung bình của 5 công ty hàng đầu là 40,8% trong khi các thành viên còn lại trong chỉ số đạt trung bình dưới 5%. Rõ ràng, đợt tăng năm nay rất hẹp”, ngân hàng này nói thêm. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy 5 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của chỉ số này chiếm gần 58% mức tăng của chỉ số tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
EU vấp nhiều rào cản để kiềm chế năng lực công nghệ Trung Quốc
03:00, 23/06/2024
Trung Quốc âm thầm chiếm lĩnh chuỗi cung ứng công nghệ Đông Nam Á
03:00, 02/06/2024
Lộ diện "chiến trường" mới của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu
03:00, 01/06/2024
Không phải công nghệ, một ngành khác ở Indonesia hút mạnh vốn đầu tư
03:00, 30/05/2024
Công nghệ sạc pin xe điện lại có đột phá mới
04:00, 26/05/2024