Lương tăng và nỗi lo đóng thuế
Thông tin lương cơ sở sắp tăng, người lao động chưa kịp mừng thì đã phải lo những chi phí khác, đặc biệt là khoản thuế TNCN, bởi đến nay Luật TNCN đã quá lạc hậu nhưng vẫn chưa được điều chỉnh...
>>Cấp thiết sửa Luật Thuế TNCN để người dân đỡ mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, từ ngày 1/7/2024 tới đây, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023.
Việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp lần này tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...
Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.
Tăng lương cơ sở là niềm vui rất lớn với người lao động vì thu nhập sẽ tăng đáng kể, nhưng đi cùng với đó, người làm công ăn lương lại có thêm nhiều nỗi lo khác. Bên cạnh giá cả sẽ ồ ạt tăng theo lương, việc tăng lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà người lao động phải đóng góp cũng sẽ tăng thêm.
>>Gấp rút hoàn thiện hồ sơ thực hiện quyết toán thuế TNCN
Chia sẻ với nỗi lo của người làm công ăn lương, chuyên gia kinh tế, GS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, biểu thuế TNCN theo quy định hiện nay được ban hành từ quá lâu rồi, quá lạc hậu. Trong khoảng thời gian áp dụng biểu thuế dài như vậy, giá cả thị trường đã tăng rất nhiều. Trong khi đó, thu nhập và tiền lương mặc dù có điều chỉnh theo hướng tăng nhưng giá cả thị trường cũng tăng, thậm chí mức lương tăng không đuổi kịp mức giá hàng hóa trên thị trường.
“Hiện các bậc thuế trong biểu thuế TNCN quá dày, sát nhau, nên khi lương nhích lên chỉ vài trăm ngàn thì người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Trong đó, có những người trước đây chưa phải nộp thuế, nhưng vì tăng lương nên phải nộp thuế TNCN hàng tháng. Đồng thời cũng có những người bị nhảy bậc thuế từ mức thấp lên mức cao”, vị chuyên gia phân tích.
Cũng bình luận về nội dung này, một số chuyên gia cho rằng, vấn đề điều chỉnh lương chỉ là một vế ở trong công thức tính thu nhập sau thuế của người dân có ổn định hay không? Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh dẫu sao cũng chỉ mới dựa trên những quyết định về ngân sách chứ chưa phù hợp với mức tăng lạm phát. Nhiều mặt hàng có giá tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát được Cục Thống kê công bố. Chính vì thế vấn đề điều chỉnh thuế TNCN sao cho phù hợp với người dân mới là điều quan trọng.
Đồng ý về quan điểm về này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh rằng, lộ trình đến năm 2025 mới sửa Luật Thuế TNCN là quá chậm trễ.
“Tình hình đã thay đổi rất nhiều, Luật Thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh được thực trạng cuộc sống. Mức khởi điểm chịu thuế rồi giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp. Hơn nữa, Luật Thuế TNCN mà không phù hợp cũng không khuyến khích được những người tài năng cống hiến. Tôi cho rằng đến năm 2025 mới sửa luật này là quá chậm trễ, quá lạc hậu", ông Long nói.
Có thể bạn quan tâm