Sửa Luật Thủ đô: Kỳ vọng tạo ra bước phát triển vượt trội cho Hà Nội
Với các cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ... Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến thông qua sẽ mang đến nhiều kỳ vọng về “kỷ nguyên mới” trong xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.
>> Cần thiết ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 Chương và 54 Điều (giảm 05 Điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 Điều, bỏ 07 Điều, bổ sung mới 02 Điều (bổ sung Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước).
Theo kế hoạch, ngày 28/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây được cho là Dự án Luật có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.
Nhìn nhận về Dự án Luật này, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rõ các cơ chế, chính sách đặc thù; đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ; lĩnh vực phân quyền toàn diện nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Đơn cử, về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ.
Đối với chính sách tài chính, ngân sách, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời. Tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi của chính sách
Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép Hà Nội được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp; Cụ thể hóa chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm…
Việc Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến thông qua mang đến nhiều kỳ vọng về “kỷ nguyên mới” trong xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới. Góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho Vùng Thủ đô và cả nước.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra một “kỷ nguyên mới” cho Thủ đô một nước có trên 100 triệu dân. Luật Thủ đô đã có nhưng trước đó vẫn ở một tầm cấp khác, còn Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều đột phá ở các khía cạnh khác nhau về quy mô, nội dung, đầu tư, chính sách thu hút, nâng cấp, phát triển Hà Nội… Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) còn mang tính lan tỏa cho cả vùng xung quanh Thủ đô.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, Luật Thủ đô ban hành từ năm 2012, đã tạo động lực phát triển Thủ đô trong hơn 10 năm qua về nguồn lực, cơ chế liên quan xây dựng, quy hoạch hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ... tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển hiện nay, đang bộc lộ những hạn chế về cơ chế chính sách, thẩm quyền triển khai các vấn đề lớn của Thủ đô.
Hiện tại, các vấn đề về hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, mạng lưới giao thông, đường sắt, môi trường, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ cần phát triển để xứng tầm với Thủ đô nghìn năm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, do đó, cần có Dự thảo Luật mới, với cơ chế chính sách mạnh hơn, khắc phục những bất cập nảy sinh, giúp Thủ đô có cơ chế chính sách đột phá hiện thực được mục tiêu đề ra.
“Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu các chính sách đề ra bám sát với thực tế và xuất phát từ vướng mắc trong thực tiễn. Nếu thực hiện được triệt để cơ chế chính sách mới đề ra trong Dự thảo Luật lần này, Thủ đô sẽ phát triển đột phá toàn diện”, vị đại biểu này bày tỏ.
Đánh giá về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, cùng Hà Nội”. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đều mong muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình, cũng như của Nhân dân cả nước vào những cơ chế cho Thủ đô phát triển, chứ không phải chỉ dành riêng cho Hà Nội. Xây dựng Luật Thủ đô phải tạo ra khả năng để thu hút được những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước.
“Dự thảo Luật (sửa đổi) cơ bản đã hoàn thiện tốt. Đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội, phải thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển vượt trội, bứt phá vượt trội”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cần thiết ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật
03:50, 22/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi của chính sách
03:10, 05/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
03:20, 02/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
03:30, 31/05/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật
03:30, 30/05/2024