Với hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật...
>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi của chính sách
Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương, 54 Điều (giảm 5 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 Điều, bỏ 7 Điều, bổ sung mới 2 Điều (bổ sung Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước).
Nhìn nhận về Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho hay, đây là Dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và sự phát triển chung của cả nước. Bởi, Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra nhiều khuôn khổ pháp lý đặc thù đặc biệt, vượt trội cho Thủ đô so với các quy định chung trên toàn quốc. Đặc biệt, cơ chế trao quyền, đặc thù vượt trội là mấu chốt để giúp Thủ đô quản lý, khai thác, huy động được nguồn lực tạo đà cho phát triển.
Đơn cử như, về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị Dự thảo Luật (sửa đổi) đã phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ.
Đối với chính sách tài chính, ngân sách, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời. Tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
Đặc biệt, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng cho phép Hà Nội được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định một số nội dung về liên kết, phát triển vùng Thủ đô nhằm cụ thể hóa chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Và trước thực tế được đặt ra từ các nội dung của Dự thảo, để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong thực thi, không ít ý kiến cho rằng, cần thiết ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật.
Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 rất quan trọng vì liên quan đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật này trong thực tiễn. Có thể thấy, với nhiều quy định mang tính đặc thù, tạo cơ chế riêng cho TP. Hà Nội thì việc xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội, việc áp dụng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, bộ, ngành là hết sức cần thiết.
“Tôi tán thành với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 4 là trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó. Trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thận trọng, khách quan và tính thống nhất trong việc xác định nội dung nào là cần thiết, nội dung nào chưa thực sự cần thiết phải áp dụng trong quá trình xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nếu áp dụng tương tự như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là giao cho HĐND TP. Hà Nội được quyết định sẽ tăng tính chủ động cho địa phương, nhưng lại khó bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính hệ thống và tính minh bạch, đặc biệt đây là luật áp dụng riêng cho thành phố, không phải nghị quyết riêng của Quốc hội hay nghị quyết thí điểm”, vị đại biểu này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề sẽ giúp triển khai hiệu quả, tránh gặp phải các vướng mắc từng có sau khi Luật Thủ đô năm 2012 được ban hành. Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các nội dung phân quyền cho chính quyền TP. Hà Nội. Tuy nhiên, ở khía cạnh bảo đảm tính hệ thống và thứ bậc hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của Chính phủ, các cơ quan liên quan, các chuyên gia để chỉnh lý, hoàn thiện quy định này.
Cùng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho hay, không thể tránh khỏi có trường hợp cùng một vấn đề, đồng thời có cả quy định trong các văn bản quy định chi tiết hay thực hiện thẩm quyền Luật Thủ đô giao và quy định trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các bộ chuyên ngành. Trong trường hợp này, cần xác định rõ văn bản được ban hành theo quy định của Luật Thủ đô được áp dụng để minh bạch hóa, tạo sự yên tâm cho các chủ thể trong quá trình thi hành pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi của chính sách
03:10, 05/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
03:20, 02/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
03:30, 31/05/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật
03:30, 30/05/2024
Có những ưu điểm vượt trội của Luật Thủ đô 2012 bị “bỏ lỡ”
17:56, 28/05/2024