Quản trị rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản
Bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập phát triển đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý rủi ro pháp lý và giải quyết các tranh chấp.
Sáng ngày 27/6/2024, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện VIAC Symposium 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên nội dung với chủ đề “Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực Xây dựng Cơ sở hạ tầng & Phát triển Bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động”.
>> "Bơi ra biển lớn", doanh nghiệp Việt phải nắm vững pháp lý
Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mặc dù có những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành xây dựng trong năm 2024 (Theo kết quả Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp Tháng 01/2024 của Vietnam Report), mở ra tiềm năng cho một chu kỳ tăng trưởng mới trong mảng đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển bất động sản tư nhân, song kèm theo đó là sự gia tăng rủi ro pháp lý và nguy cơ phát sinh tranh chấp.
Phát biểu khai mạc phiên này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ngành xây dựng đóng vai trò quan trọng, xương sống trong việc phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia: cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đất nước, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ phát triển.
Từ cuối năm 2022 đến năm 2023, kinh tế trong nước bắt đầu đi vào giai đoạn thực sự khó khăn, cộng dồn từ các ảnh hưởng hậu COVID cũng như tình hình khó khăn chung của kinh tế khu vực và thế giới. Thị trường bất động sản trong nước là một trong những lĩnh vực có biến động mạnh theo chiều hướng đi xuống kéo theo khó khăn trực tiếp tới ngành xây dựng.
Cụ thể, các yếu tố biến động kinh tế kéo theo sự biến động của giá nguyên vật liệu và nguồn vốn đều có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí của các dự án xây dựng. Những thay đổi này không chỉ đặt ra những thách thức về tài chính và quản lý, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp phát sinh không mong muốn giữa các bên liên quan, bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu, và các đối tác khác.
“Hơn nữa, khi thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập và phát triển, các vấn đề về tranh chấp và rủi ro pháp lý không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra quốc tế. Các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, hay việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đều đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới”, chuyên gia này nhấn mạnh.
>> Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quản trị rủi ro pháp lý
Xoay quanh vấn đề này, LS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập (Dzungsrt & Associates) cũng chia sẻ góc nhìn của luật sư đối với các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng tại hội thảo.
Theo ông Minh, các loại tranh chấp xây dựng thường phát sinh do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu từ các vi phạm của chủ đầu tư hoặc của các nhà thầu. Đơn cử, đối với chủ đầu tư có thể sai phạm tiến độ thanh toán theo khối lượng công việc, tự ý thay đổi khối lượng công trình hoặc yêu cầu kỹ thuật mà không có sự thống nhất của nhà thầu thi công xây dựng công trình...
Còn đối với các nhà thầu, việc tranh chấp phát sinh có thể do sự vi phạm thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình, không hoàn thiện đúng và đủ hồ sơ thanh toán, hồ sơ quyết toán hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ bảo hành sau khi hoàn thành công trình…
“Mặt khác, do sự khác biệt trong cách tiếp cận hợp đồng. Các bên trong hợp đồng có quốc tịch khác nhau, đến từ các nước có truyền thống pháp luật khác nhau dẫn đến việc tiếp cận và giải thích hợp đồng khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc áp dụng và giải thích hợp đồng khi xảy ra tranh chấp”, LS Nguyễn Ngọc Minh lưu ý.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư Vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) nhận định, những rủi ro về hợp đồng đang diễn ra rất phổ biến với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản. Tương tự như các lĩnh vực khác trong xây dựng, rủi ro hợp đồng đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thường gặp bao gồm: rủi ro pháp lý của dự án; rủi ro bàn giao mặt bằng không đúng kế hoạch, về hệ thống tiện ích; rủi ro thông tin, rủi ro thanh toán...
Để hạn chế cũng như quản trị những rủi ro đó, bà Duyên cho rằng, cần phân bổ rủi ro công bằng và hợp lý theo nguyên tắc “Bên nào có thể kiểm soát tốt nhất rủi ro và kiểm soát hậu quả liên quan tốt nhất khi xảy ra” bởi sự phân bổ rủi ro không hợp lý cũng có thể dẫn tới kéo dài tiến độ, tăng khả năng tranh chấp hợp đồng và ngược lại.
Đặc biệt, cần áp dụng mẫu hợp đồng phù hợp, nhất là cần hiểu đúng các điều khoản, ngôn ngữ hợp đồng trong các mẫu hợp đồng quốc tế để hạn chế các bất cập, rủi ro. Đồng thời, phải hiểu các quy định bắt buộc của Việt Nam để sửa đổi, bổ sung trong điều kiện riêng nhằm hạn chế những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hợp đồng.
“Các doanh nghiệp cũng cần chú ý đảm bảo tính tuân thủ thông qua quá trình giám sát tính tuân thủ, dự án. Việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ gặp phải các vấn đề pháp lý và chậm trễ”, bà Nguyễn Thị Duyên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tránh rủi ro pháp lý trong sử dụng hóa đơn
00:30, 01/10/2023
Giải pháp hạn chế rủi ro pháp lý đến từ sự thay đổi của chính sách, pháp luật
04:56, 06/04/2023
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quản trị rủi ro pháp lý
17:00, 20/12/2022
"Bơi ra biển lớn", doanh nghiệp Việt phải nắm vững pháp lý
00:06, 27/06/2024
Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh
04:20, 03/06/2024