Để ổn định môi trường pháp lý, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, VCCI cho rằng, một trong những giải pháp hiện nay là thay đổi cách diễn giải, thực thi chính sách, pháp luật…
>> Ổn định môi trường pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân
Như Diễn đàn và Doanh nghiệp đã thông tin, việc giảm rủi ro pháp lý không chỉ có tác động đến sự dịch chuyển ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, mà còn giúp các doanh nghiệp thuộc khu vực này sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ…
Theo Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rủi ro pháp lý đến từ sự thay đổi của chính sách, pháp luật và sự không nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật.
Cụ thể, theo VCCI, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải trong giai đoạn thực thi chính sách là tần suất hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước. Bởi theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc cơ quan thanh tra lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra nhiều lúc còn tùy tiện, thậm chí có dấu hiệu bị lạm dụng.
Từ đó, VCCI cho rằng, nếu cơ quan Nhà nước áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra sẽ giảm sự tùy tiện trong lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra. Theo đó, việc lựa chọn đối tượng và tần suất thanh tra, kiểm tra sẽ được thực hiện theo bộ tiêu chí thống nhất nhằm chấm điểm rủi ro của từng doanh nghiệp.
>> Doanh nghiệp cần một hành lang pháp lý kinh doanh ổn định
“Hiện nay, một số cơ quan Nhà nước đã áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong thanh tra như lĩnh vực thuế hải quan. Phương pháp này sẽ chấm điểm rủi ro của các doanh nghiệp, hồ sơ, lô hàng giúp các cơ quan Nhà nước quyết định việc lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi thanh tra có mức độ rủi ro vi phạm pháp luật cao nhất. Thực tiễn triển khai trong lĩnh vực thuế và hải quan đã cho thấy phương pháp này mang lại nhiều tác dụng tích cực như: giảm thời gian nhân lực cho các lực lượng thanh tra, kiểm tra; tăng hiệu quả hoạt động thanh tra do hướng đến đối tượng có rủi ro cao; tăng động lực tuân thủ cho doanh nghiệp nhằm được hưởng chế độ giám sát tuân thủ tốt hơn; giảm nguy cơ tham nhũng tiêu cực và sự chủ quan khi lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra.”, VCCI dẫn chứng.
Đồng thời cho rằng, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo việc tăng cường áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng chưa được triển khai thành chủ trương chung rộng khắp trong các cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh việc áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, để giải quyết những tồn tại trong việc diễn giải, thực thi chính sách, pháp luật, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng rủi ro pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh, VCCI cũng khuyến nghị, cần áp dụng nguyên tắc tiền lệ, nguyên tắc đồng bộ trong công vụ.
Cụ thể, đối với hai vụ việc có vấn đề pháp lý giống nhau thì cơ quan Nhà nước phải đưa ra quyết định giống nhau. Hay như đối với một vụ việc được giải quyết tại hai cơ quan Nhà nước khác nhau thì cùng phải cho ra quyết định giống nhau.
Theo VCCI, hai nguyên tắc này chưa được coi trọng là nguyên tắc vận hành của hệ thống công vụ tại Việt Nam. Trên thực tế, các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước vẫn thường vận dụng một cách không triệt để hai nguyên tắc này để diễn giải hoặc thực thi chính sách. Ví dụ, doanh nghiệp có tranh luận với cơ quan Nhà nước thì có thể dẫn chứng những vụ việc tương tự trước đó làm căn cứ để chứng minh rằng cách hành xử của mình phù hợp với pháp luật, hoặc doanh nghiệp có thể viện dẫn hành động tương tự của một cơ quan Nhà nước khác. Tuy nhiên, do không được coi là nguyên tắc chính thức và cũng không có cơ chế cụ thể để đảm bảo thực hiện, nên việc diễn giải tùy tiện, không đồng bộ các quy định của pháp luật trong hệ thống cơ quan Nhà nước vẫn diễn ra.
Cũng theo VCCI, hai nguyên tắc này thường được áp dụng trong hệ thống tư pháp của các quốc gia. Hệ thống Tòa án của Việt Nam cũng đã bắt đầu đưa ra những cơ chế để thực hiện nguyên tắc này thông qua việc ban hành án lệ và đăng tải bạn công khai bản án. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng hai nguyên tắc này vẫn rất hẹp, chưa trở thành nguyên tắc bao quát cho bộ máy Nhà nước.
Cùng với giải pháp thay đổi cách diễn giải, thực thi để giảm rủi ro pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Tại Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022, VCCI cũng khuyến nghị các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro pháp lý đến từ sự thay đổi của chính sách, pháp luật. Cụ thể các giải pháp được VCCI khuyến nghị như: Tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và các cam kết quốc tế có liên quan; Thực hiện tốt hơn công tác cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp; Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh;…
“Mặc dù tính ổn định của pháp luật rất quan trọng đối với các dự án đầu tư, tuy nhiên, không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật đứng yên mãi mãi. Pháp luật vẫn thường xuyên phải điều chỉnh khi các điều kiện xã hội thay đổi, hoặc khi phát hiện ra các bất cập, vướng mắc khi thực thi cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn. Do đó, các giải pháp luôn cần tìm điểm cân bằng giữa việc duy trì tính ổn định để tạo lập niềm tin kinh doanh và việc điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn”, VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 05/04: Doanh nghiệp cần môi trường pháp lý ổn định
05:00, 05/04/2023
Ổn định môi trường pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân
04:00, 05/04/2023
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022: Doanh nghiệp cần môi trường pháp lý ổn định
15:48, 04/04/2023
Doanh nghiệp cần một hành lang pháp lý kinh doanh ổn định
14:45, 04/04/2023
Cần cơ chế pháp lý phù hợp cho các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp
03:30, 03/04/2023