Bất động sản dẫn đầu dòng tín dụng
Trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự chuyển biến từ tín dụng bất động sản đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn TP.HCM.
>>Đòn bẩy tín dụng bất động sản
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng bất động sản trên địa bàn thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây.
Tín dụng tăng trưởng
Cụ thể, trong tháng 5/2024, tín dụng bất động sản tiếp tục tăng trưởng 1,15% và đạt mức dư nợ 992,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm 2023. Mức tăng này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. Tín dụng chung của TP.HCM đến cuối tháng 5 tăng 1,93% so với cuối năm 2023.
>>KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Tác động của 3 luật mới tới thị trường
Theo ông Lệnh, tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (67,78%) so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.
“Điểm tích cực ở phân khúc này là khi tín dụng nhà ở tăng trưởng 1,2% so với tháng 4 trong khi các tháng trước đó tăng trưởng âm. Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỷ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn đáp ứng nhu cầu mua nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế”, ông Lệnh nhận định.
Ngoài ra, tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất – khu công nghiệp, văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tích cực nhất so với lĩnh vực khác. Trong đó, dòng vốn cho vay khu chế xuất – khu công nghiệp tăng 9,47% và tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023.
Điều này đã phản ánh xu hướng phục hồi của lĩnh vực bất động sản và được cho là tiền đề tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Lý giải về tín hiệu tích cực này, ông Lệnh cho rằng các yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách là một trong những lý do chính. Lãi suất thấp, các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng cũng là những nguyên nhân khác được đưa ra. Cùng với đó, việc ba luật có hiệu lực thi hành sớm được cho đã tạo tâm lý và những chuyển biến tích cực trên thị trường.
Kỳ vọng gia tăng nguồn cung
Việc nguồn vốn dành cho bất động sản tại TP.HCM khởi sắc đã phần nào tiếp thêm niềm tin cho doanh nghiệp bởi đây vẫn được xem là thách thức lớn nhất của ngành địa ốc những năm qua.
“Niềm tin là yếu tố quan trọng quyết định tới việc phục hồi của thị trường bất động sản. Đặc biệt, niềm tin này đang được nâng đỡ từ điểm tựa nền tảng vĩ mô – 3 luật “xương sống” sắp có hiệu lực là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024. Đây sẽ là vấn đề mấu chốt để thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục được dự báo rõ ràng từ quý 2/2024. Trong đó, căn hộ chung cư được cho là một trong những phân khúc dẫn đầu đà phục hồi của thị trường” - ông Trần Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
Theo dự báo của các chuyên gia, tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Một trong những động lực là sự hỗ trợ về lãi suất, pháp lý, đặc biệt sau khi các bộ luật mới về bất động sản có hiệu lực. Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp được cho sẽ kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư/người mua nhà. Qua đó thúc đẩy nguồn cung bất động sản cho thị trường.
Chia sẻ với DĐDN, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết: “Hiện nay người tìm kiếm bất động sản đã có tâm lý tích cực hơn nhờ những chính sách tiền tệ được cải thiện như giảm lãi suất mua nhà, nới room tín dụng… Dựa trên khảo sát gần nhất của Batdongsan.com.vn, có tới 65% số lượng người được hỏi trong 1.000 người cảm thấy lạc quan hơn trong việc tiếp cận và mua bất động sản trong giai đoạn này”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, dòng tín dụng sẽ không chảy “ồ ạt” vào thị trường bất động sản mà có sự phân hóa về khả năng tiếp cận vốn giữa các phân khúc và doanh nghiệp trên thị trường. Theo đó, tín dụng sẽ tập trung vào phân khúc bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực và xây dựng hạ tầng giao thông, qua đó tạo lực đẩy bền vững cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm