COP29 cần đạt thỏa thuận mới về tài chính khí hậu

CẨM ANH 29/06/2024 04:00

Nhiều chuyên gia cho rằng các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại COP29 phải đạt được một thỏa thuận toàn cầu mới về tài chính khí hậu.

>> COP29 cần đạt mục tiêu mới về tài chính khí hậu

Các chuyên gia tham dự phiên thảo luận về biến đổi khí hậu tại WEF Đại Liên 2024

Các chuyên gia tham dự phiên thảo luận về biến đổi khí hậu tại WEF Đại Liên 2024. Ảnh: Straits Times

Ông Liu Zhenmin, đặc phái viên của Trung Quốc về biến đổi khí hậu cho biết những nỗ lực của Mỹ và Liên minh châu Âu siết thuế quan đối với các mặt hàng công nghệ xanh của Trung Quốc sẽ chỉ khiến giá các tấm pin mặt trời, pin xe điện và các mặt hàng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh tăng cao hơn.

Phát biểu tại cuộc họp bên lề Hội nghị thường niên của các Nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đại Liên (WEF Đại Liên), ông Liu cũng cho biết, những đổi mới và năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đã giúp thế giới đẩy nhanh quá trình áp dụng năng lượng xanh.

“Trên toàn cầu, chúng ta cần đoàn kết để tránh những hành động làm tăng chi phí”, ông Liu nhấn mạnh. Hiện Trung Quốc đang là quốc gia gây ô nhiễm khí nhà kính lớn nhất thế giới, và cũng là quốc gia sản xuất và đầu tư lớn nhất thế giới về năng lượng tái tạo. Chính phủ Trung Quốc hiện coi năng lượng xanh là chìa khóa để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, vào năm 2023, thế giới đã bổ sung thêm 473 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo. Trong đó, Trung Quốc chiếm phần lớn, bổ sung thêm 297,6GW, chủ yếu là năng lượng gió và mặt trời.

Ông Liu cho biết thêm, sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực năng lượng xanh ở Trung Quốc đã giúp cắt giảm chi phí năng lượng xanh trên toàn cầu, và việc tăng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp giảm chi phí xuống nhiều hơn nữa.

"Tôi nghĩ Trung Quốc cũng đã sẵn sàng hợp tác với nhiều nước đang phát triển để giúp họ tiến hành chuyển đổi năng lượng. Vì vậy, để thế giới đạt được mức trung hòa carbon, cần phải có thêm đầu tư để công nghệ sạch trở nên rẻ hơn nữa", đặc phái viên Trung Quốc nhấn mạnh.

Hơn bao giờ hết, các quốc gia cần hợp tác tài trợ cho đổi mới sáng tạo để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, một điều khoản quan trọng theo Thỏa thuận Paris của Liên hợp quốc năm 2015.

COP29 sẽ là một thử nghiệm lớn về sự hợp tác và ý chí đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Baku của Azerbaijan, gần 200 quốc gia sẽ cần đạt được sự thống nhất về một mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu mới, còn được gọi là Mục tiêu định lượng chung mới (NCQG). "Chúng ta phải đạt được một thỏa thuận về hỗ trợ tài chính tại COP29", ông Liu cho biết.

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy việc đạt được thỏa thuận nói trên sẽ là một quá trình đầy khó khăn. Theo Giáo sư Julie Zimmerman, Phó Hiệu trưởng phụ trách các giải pháp toàn cầu tại Đại học Yale, tài chính khí hậu là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong ba thập kỷ đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc.

Các quốc gia kém phát triển vốn dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu cho rằng, các quốc gia phát triển nên cung cấp các gói tài trợ để giúp họ thích ứng với các tác động, nhất là trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

>> COP29 thúc đẩy nỗ lực hạn chế nóng lên toàn cầu

Việc đạt mục tiêu mới về tài chính khí hậu vẫn còn nhiều khó khăn

Việc đạt mục tiêu mới về tài chính khí hậu vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, chi phí cho các tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục tăng và nhiều quốc gia nghèo hơn đang chìm trong nợ nần. Những quốc gia này đã bỏ lỡ phần lớn sự bùng nổ đầu tư xanh trên toàn cầu do thiếu nguồn lực tài chính hoặc chính sách hỗ trợ đầu tư. Trong khi đó, các quốc gia giàu có từ chối cam kết chi trả các chi phí khí hậu lớn và ngày càng tăng.

Những khác biệt đã được nêu rõ trong các cuộc đàm phán chuẩn bị cho COP29 tại Bonn, Đức, kết thúc vào ngày 13/6/2024. Có những bất đồng sâu sắc về mục tiêu tài chính khí hậu, như thuế nhiên liệu hóa thạch hoặc hoán đổi nợ...

Trong một báo cáo độc lập từ năm 2023 được Liên Hợp Quốc đưa ra, ước tính rằng cần có 2,4 nghìn tỷ đô la Mỹ đầu tư vào các nước đang phát triển mỗi năm cho đến năm 2030, không bao gồm Trung Quốc.

Ấn Độ, các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ đã tuyên bố rằng cần huy động hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm. EU và Hoa Kỳ muốn thêm các nhà tài trợ mới, bao gồm Trung Quốc và các quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người cao, chẳng hạn như Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Giáo sư Kim Sang-hyup, đồng Chủ tịch Ủy ban Trung hòa Carbon và Tăng trưởng Xanh Hàn Quốc nhận định, thế giới cần huy động mọi nguồn hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh. Ông nói thềm rằng, việc trang bị kỹ năng cho người dân, hợp tác với các quốc gia đang phát triển về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và tài trợ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu là những cách thúc đẩy sự thay đổi.

"Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác là đào tạo kỹ năng cần thiết và lực lượng lao động sẵn sàng cho các công việc có thể phát sinh trong tương lai do biến đổi khí hậu mang lại”, chuyên gia này nhận định và nhấn mạnh các trường đại học thực sự cần phải suy nghĩ về việc xác định tương lai mà chúng ta muốn sống như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

  • COP29 thúc đẩy nỗ lực hạn chế nóng lên toàn cầu

    COP29 thúc đẩy nỗ lực hạn chế nóng lên toàn cầu

    03:00, 14/06/2024

  • WEF Đại Liên: Trung Quốc cam kết tăng cường mở cửa thị trường

    WEF Đại Liên: Trung Quốc cam kết tăng cường mở cửa thị trường

    03:30, 26/06/2024

  • WEF Đại Liên 2024: 06 chính sách trọng tâm, 03 đột phá chiến lược của Việt Nam

    WEF Đại Liên 2024: 06 chính sách trọng tâm, 03 đột phá chiến lược của Việt Nam

    14:13, 25/06/2024

  • WEF Đại Liên: Cơ hội nào cho Việt Nam?

    WEF Đại Liên: Cơ hội nào cho Việt Nam?

    04:00, 25/06/2024

  • WEF Đại Liên: Cơ hội từ đổi mới chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm

    WEF Đại Liên: Cơ hội từ đổi mới chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm

    03:30, 25/06/2024

  • Trung Quốc kỳ vọng tăng đầu tư nước ngoài tại WEF Đại Liên

    Trung Quốc kỳ vọng tăng đầu tư nước ngoài tại WEF Đại Liên

    03:00, 25/06/2024

CẨM ANH