Trung Quốc kỳ vọng sẽ tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khi Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Đại Liên.
>> "Cơn gió ngược" với đầu tư mạo hiểm và gọi vốn ở Trung Quốc
Với nước chủ nhà Trung Quốc, WEF Đại Liên 2024 không chỉ là dịp thể hiện hình ảnh, uy tín quốc gia mà còn lan tỏa thông điệp xanh và bền vững. Là một trung tâm vận chuyển, hậu cần và tài chính khu vực, Đại Liên được coi là cửa ngõ cho vùng Đông Bắc của Trung Quốc ra thế giới và là nơi có một trong những cảng quốc tế sôi động nhất của Trung Quốc dọc theo Thái Bình Dương.
Theo Thị trưởng Đại Liên Chen Shaowang: "WEF Đại Liên 2024 sẽ tăng cường tầm ảnh hưởng của Diễn đàn bằng sự cởi mở và toàn diện". Đáng chú ý, địa điểm tổ chức sự kiện sẽ sử dụng 100% điện đến từ các nguồn "xanh", hệ thống điều hòa không khí sử dụng nước biển làm mát để tiết kiệm điện hiệu quả, đồng thời 80% số phương tiện phục vụ sự kiện sẽ sử dụng năng lượng mới.
Hội nghị lần này cũng là cách để Trung Quốc tăng cường quan hệ chính trị và thương mại với các đối tác và giới thiệu văn hóa Trung Quốc. Các nhà chức trách Trung Quốc đang muốn tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tại sự kiện lần này sau sự sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài và tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Einar Tangen, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Taihe có trụ sở tại Bắc Kinh đánh giá, khi Trung Quốc nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sẽ có nhiều cam kết được đưa ra tại WEF Đại Liên để khơi dậy niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và nhu cầu trong nước còn yếu.
Được biết, WEF Đại Liên sẽ được tổ chức từ ngày 25 đến 27/6 tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, nhằm mục đích xây dựng tầm nhìn thống nhất cho sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị lần này.
>> WEF Davos 2024: Thế giới cần bộ chỉ số tăng trưởng mới
Ông Pan Jiang, Giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới”, WEF Đại Liên sẽ quy tụ khoảng 1.600 nhà lãnh đạo toàn cầu cùng các chuyên gia, chủ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, học viện đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng nhau tìm hiểu về những động lực và con đường đổi mới cho sự tiến bộ kinh tế toàn cầu, cũng như xây dựng quan hệ đối tác và thiết lập các giải pháp sáng tạo, mang đến những tác động có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Ông Liming Chen, Chủ tịch WEF của Trung Quốc cho biết thêm, Hội nghị sắp tới sẽ mang đến những cơ hội kịp thời để cùng nhau thúc đẩy tiềm năng của đổi mới và tạo tiền đề cho động lực kinh tế bền vững trong khu vực và xa hơn nữa.
Nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu ổn định, với việc Ngân hàng Thế giới (WB) nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 2,6%, từ mức dự báo 2,4% trước đó. 80% các nhà kinh tế trưởng dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ không thay đổi hoặc mạnh hơn một chút trong năm nay, và bảy trong số mười chuyên gia được hỏi dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ trở lại mức trên 4% trong vòng năm năm tới.
Nhưng trước những rủi ro liên kết từ căng thẳng địa chính trị đến khủng hoảng khí hậu, các chính phủ sẽ cần theo đuổi tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới, tính bao trùm, tính bền vững và khả năng phục hồi.
GS. Klaus Schwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định: "Hội nghị thường niên của những Nhà tiên phong sẽ cung cấp một nền tảng độc đáo để các nhà lãnh đạo cùng nhau chia sẻ hiểu biết sâu sắc và thúc đẩy các giải pháp mang tính tư duy tiến bộ có thể định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu".
Việc cân bằng các ưu tiên như phát triển công nghệ và tăng trưởng toàn diện cũng rất quan trọng, vì các chính phủ cần áp dụng các chiến lược tài chính, thương mại và công nghiệp để tăng cường phục hồi và kiềm chế lạm phát.
Dự kiến sẽ có 6 chủ đề chính sẽ được thảo luận: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR).
Có thể bạn quan tâm