Thành phố Thái Bình khát vọng tuổi 20
Thành phố Thái Bình sau 20 năm xây dựng với nhiều khát vọng đổi mới, xứng đáng là trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh.
>>> Thái Bình: Quảng bá tiềm năng, thế mạnh đến nhà đầu tư FDI qua kênh truyền thông quốc tế
70 năm sau Ngày giải phóng thị xã (30/6/1954-30/6/2024) và 20 năm xây dựng và phát triển (30/6/2004-30/6/2024), từ đô thị loại IV nhỏ bé với diện tích chưa đầy 100 ha, đến nay thành phố Thái Bình - thành phố trẻ của tỉnh đã vươn mình lớn mạnh, mở rộng diện tích lên gần 7.000 ha với quy mô dân số hơn 280.000 người.
Ngày 30/6/2024, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã Thái Bình (30/6/1954 - 30/6/2024), 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình (2004 - 2024) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Tới dự có ông: Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
Ông Hoàng Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình ôn lại trang sử hào hùng, truyền thống vẻ vang, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của mảnh đất Kỳ Bố Hải Khẩu xưa, đến khi là thị xã Thái Bình và nay là thành phố Thái Bình.
Ngay từ khi thành lập, thị xã Thái Bình đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, là đầu mối giao thông quan trọng, nơi hội tụ và giao thoa các sắc thái văn hóa của tỉnh. Sau 70 năm giải phóng, 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Bình đã có sự phát triển vượt bậc. Từ thị xã nhỏ bé đến nay đã mở rộng trên 6.800ha với 19 đơn vị hành chính, dân số trên 250.000 người; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp; thành phố Thái Bình từ đô thị loại IV trở thành đô thị loại III năm 2003, đô thị loại II năm 2013, đến nay đã cơ bản đạt các tiêu chí về hạ tầng theo tiêu chí đô thị loại I.
Bằng sự cố gắng, nỗ lực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo nền tảng vững chắc để phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Đến nay, quy mô nền kinh tế thành phố được mở rộng, khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của thành phố đạt trên 50.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 3.000 tỷ đồng, chiếm 30% thu nội địa của tỉnh. Hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng cường tính kết nối. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng với việc xây dựng các khu đô thị, công viên hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm, là nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Thái Bình khẳng định, những kết quả đạt được sau 70 năm giải phóng, 20 năm xây dựng và phát triển là tiền đề, nền tảng quan trọng tạo đà cho thành phố Thái Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực phấn đấu và đánh giá cao những thành tựu thành phố Thái Bình đã đạt được. Để tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình trong giai đoạn tới, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, ông đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tiếp tục xác định rõ và kiên định với các mục tiêu, quan điểm và phương châm đã đặt ra về xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình nhanh, bền vững, trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, có bản sắc riêng; có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, kết nối thuận lợi; là đầu tàu kinh tế, là trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh, có sức thu hút và lan tỏa cao.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải nhấn mạnh, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh dựa trên ba trụ cột: Kinh tế phát triển năng động với dịch vụ hiện đại và công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao; Đô thị phát triển nhanh theo hướng cảnh quan, trong lành, thông minh; Xã hội phát triển văn minh, an toàn, có nếp sống văn minh đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến Khu kinh tế Thái Bình và các huyện. Chăm lo phát triển y tế, giáo dục và văn hóa - xã hội, tạo dựng nếp sống văn minh, đậm đà bản sắc và môi trường sống an toàn, chất lượng cho người dân.
>>> Thái Bình: Tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ
>>> Mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn Hàn Quốc tại Thái Bình
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chỉ rõ: Yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho sự thành công là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và hệ thống chính trị của thành phố Thái Bình phải thực sự được nâng cao; cộng với chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền phải được nâng tầm, đáp ứng yêu cầu mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải đề ra được kế hoạch thực hiện sát hợp, quyết liệt, khả thi; vừa toàn diện, vừa có trọng tâm trọng điểm, có lộ trình rõ ràng hướng tới mục tiêu chung, đặt trong chiến lược phát triển chung của tỉnh và của khu vực. Phải dám đương đầu với các khó khăn, phức tạp, giải quyết có kết quả các hạn chế còn tồn tại để vượt lên chính mình. Phải biết trăn trở với các yêu cầu mới và các vấn đề bức thiết đặt ra để biến thành động lực. Phải phát hiện được xu thế và yêu cầu mới để có hành động đúng đắn. Phải nắm bắt được thời cơ, vận hội, biến thành lợi thế để tiến nhanh. “Trọng trách đang đặt lên vai tổ chức đảng, các cấp chính quyền và hệ thống chính trị của thành phố trước Nhân dân và vì tương lai phát triển của thành phố”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã nêu rõ quan điểm: Xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là trách nhiệm của cả Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thái Bình, mà trước hết là của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Thái Bình; phải dựa trên nội lực là chính, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đi đôi với phát huy mạnh mẽ động lực đổi mới sáng tạo, sự đồng lòng quyết tâm và khát vọng phát triển của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Vì vậy, phải xóa bỏ được tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của trung ương và của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền thành phố cần xác định rõ trách nhiệm của mình, từ đó quyết tâm, nỗ lực, chủ động trong tổ chức thực hiện, sáng tạo trong việc đề ra các giải pháp, trong đó chú trọng phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để khai thác các nguồn lực tại chỗ, đồng thời tận dụng mọi cơ hội phát triển, thu hút đầu tư và các nguồn lực từ bên ngoài.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, ngoài việc phải chuẩn bị các điều kiện về vật chất còn cần phải tạo cho được tiền đề sức mạnh tinh thần to lớn. Trước hết, đó phải là sức mạnh của sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Thái Bình. Cơ sở của sự đồng thuận, đoàn kết chính là niềm tự hào về truyền thống ngàn đời và các giá trị văn hóa bản sắc của mảnh đất, con người cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ để phát triển xứng đáng với truyền thống đó. Đây cũng là động lực to lớn, tạo ra sự đồng lòng, quyết tâm xây dựng và phát triển thành phố như mục tiêu, khát vọng đã đặt ra. Đây cũng là cơ sở để vận động Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp nỗ lực vươn lên, thi đua ra sức xây dựng và phát triển thành phố bằng hành động, việc làm và kết quả cụ thể; góp công, góp sức để thành phố nhanh chóng giàu đẹp, văn minh. “Chỉ khi các mục tiêu, khát vọng được biến thành nhận thức, ý chí chung; thành quyết tâm không thể lay chuyển; thành sự đoàn kết, đồng lòng rộng rãi; thành trách nhiệm tự nhiên của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thì mới tạo thành động lực to lớn và nguồn lực lớn lao cho công cuộc xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình trong giai đoạn phát triển mới”- Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu, nhân dân và du khách đã được thưởng thức màn trình diễn droneshow (trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng máy bay không người lái); chương trình nghệ thuật “Khát vọng tuổi 20” .
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã Thái Bình, 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, là dịp để ôn lại, khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang và những thành tựu mà thành phố Thái Bình đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển; đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh, thế mạnh của thành phố Thái Bình, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế để cán đích năm
01:21, 01/07/2024
Thái Bình: Chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
00:30, 23/06/2024
Thái Bình: Cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề
17:23, 19/06/2024
Thái Bình: Phát triển thị trường bất động sản để hút các dự án công nghệ cao
16:35, 19/06/2024
Thái Bình: Quảng bá tiềm năng, thế mạnh đến nhà đầu tư FDI qua kênh truyền thông quốc tế
12:37, 11/06/2024