Công nghệ số: Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bến vững
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương tại Diễn đàn Công nghệ Quốc tế Itech Expo 2024 diễn ra tại TP.HCM mới đây.
>>>Khai mở tiềm năng công nghệ số
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) cho biết, hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến vượt bậc của công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước đây, công nghệ thông tin đã có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ thông tin đã có những thay đổi căn bản trở thành công nghệ số, đi kèm với nó là những công nghệ mới như AI, claude, Big Data, IOT. Với những công nghệ mới này, công nghệ số không chỉ còn là công nghệ thông tin nữa, mà còn là dữ liệu được mở rộng ra nhiều lĩnh vực.
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương, công nghệ số cùng với dữ liệu số đã len lỏi vào tất cả những lĩnh vực, ngành nghề trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, tạo nên những thành tựu to lớn chưa từng có.
“Với việc nắm bắt xu thế đó, hiện nay, Việt Nam đã xác định, công nghệ số, chuyển đổi số là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bến vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ TTTT đã tập trung chỉ đạo, định hướng phát triển ngành thông tin truyền thông phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động gắn liền với ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đánh giá.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, phát triển hạ tầng số Việt Nam bao gồm, hạ tầng viễn thông, hạ tầng IOT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Ông cho rằng, hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời khẳng định, phát triển kinh tế số quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành và động lực chính cho sự phát triển này là các doanh nghiệp công nghệ số.
Với mục tiêu tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số, vừa qua, Bộ TTTT đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự kiến cuối năm nay, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc Hội để xem xét phê duyệt Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó, có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số.
Ngoài ra, Bộ TTTT cũng được Chính phủ giao triển khai xây dựng trình Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2050. Đây là một trong những chiến lược dài hơi của Việt Nam. Định hướng của chiến lược là Việt Nam từng bước trở thành quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, trở thành một HUB nhân lực công nghiệp bán dẫn cho toàn cầu, tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu có các sản phẩm bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh với quốc tế.
“Để thực hiện hiện quả những chủ trương, chính sách trên, vai trò của TP.HCM là hết sức quan trọng. TP.HCM là đàu tàu kinh tế của cả nước, trong nhiều năm qua, chỉ số VN-Index của TP.HCM luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Thành phố dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu phần mềm về công nghệ thông tin và đứng thứ hai cả nước về doanh thu công nghiệp phần cứng. Doanh nghiệp công nghệ số tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục là nòng cốt chính tạo ra sự bứt phá cho ngành thông tin và truyền thông, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế số của toàn vùng và cả nước”, Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương đánh giá.
Do đó, ông mong muốn lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở TTTT TP.HCM cùng các sở, ban ngành tại Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ thúc đẩy cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số và tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động trên địa bàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, TP.HCM với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, là nơi hội tự tập trung đông đảo các doanh nghiêp trong nước và quốc tế, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Nghị quyết số 31, ngày 30/12/2023 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đàu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt từ 8 – 8,5% một năm, GRDP bình quân đầu người khoàng 14.500 USD, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM cần có nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đồi mới sáng tạo số. Bà đánh giá cao, đồng thời ủng hộ sáng kiến của Hội tin học TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức sự kiện về công nghệ thông tin, công nghệ số như Itech Expo 2024.
“Chúng tôi hi vọng sự kiện sẽ đóng góp tích cực vào chương trình phát triển kinh tế số của TP.HCM đến năm 2040, TP.HCM sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, sự kiện sẽ tạo nên nhiều cơ hội, tiềm năng về xúc tiến thương mại, kêu gọi và thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ.
TS. Nguyễn Công Ái - Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, những tiến bộ công nghệ gần đây đã tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, sản xuất chất bán dẫn, … Bên cạnh đó, những xu hướng công nghệ mới cũng tác động mạnh mẽ tới chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến việc các công ty đa quốc gia dần di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng đầu tư FDI.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Công Ái, mặc dù đang có nhiều cơ hội, nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, và khuôn khổ chính sách còn nhiều bất cập.
“Để bắt kịp các xu hướng toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung vào 2 mảng chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển chất lượng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đây là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của những ngành ứng dụng công nghệ cao trong tương lai, tạo động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế và cả đất nước", TS. Nguyễn Công Ái đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Khai mở tiềm năng công nghệ số
14:27, 13/06/2024
DIỄN ĐÀN LOGISTICS VÙNG: Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh từ công nghệ số
11:00, 30/05/2024
Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh
00:06, 08/04/2024
Nông dân “tỷ phú” thời công nghệ số
00:20, 31/03/2024
Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch
03:00, 30/03/2024