Khó đòi bảo hiểm nắng nóng

TRƯỜNG ĐẶNG 15/07/2024 03:30

Nắng nóng cực độ đang gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nền kinh tế, khiến nhiều công ty bảo hiểm đang ngày càng xa rời thị trường khắc nghiệt này.

Nắng nóng đang ngày càng khắc nghiệt và gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng

Nắng nóng đang ngày càng khắc nghiệt và gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Bão nắng nóng tấn công các nước

Đã thành thông lệ, mùa hè ngày càng khắc nghiệt trên thế giới đang gây ra những hậu quả ngày càng lớn cho nền kinh tế và sức khỏe con người.

>>Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ Đông Nam Á chống biến đổi khí hậu

Ở Mỹ, những đợt nắng nóng đang thiêu đốt hàng chục triệu người Mỹ. Thiệt hại không chỉ là sức khỏe của người dân, mà nhiệt độ cao đang phá huỷ mùa màng, làm tắc đường và gián đoạn nguồn cung cấp điện nhiều nơi. Chính quyền các thành phố, cơ quan quản lý và công ty ở Mỹ cảnh báo về chi phí ngày càng leo thang của các đợt nắng nóng có thể lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Ở Ấn Độ, trong tháng 6 và đầu tháng 7, các đợt nắng nóng nghiêm trọng cũng đã gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho các bang Bihar, Uttar Pradesh, và Rajasthan. Nhiệt độ cao, có lúc đạt 47,2°C, đã làm giảm sản lượng lúa gạo và lúa mì ở các bang này, gây thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm triệu USD.

Ở miền Nam châu Âu, cơn ác mộng nắng nóng đang quay trở lại. Trong 2 tháng qua, các đợt nắng nóng nghiêm trọng đã gây ra nhiều vụ cháy rừng và ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch tại các quốc gia như Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Nhiệt độ ở nhiều khu vực đã vượt qua 40°C, gây ra thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng và làm giảm mạnh lượng khách du lịch. Theo các báo cáo, ước tính thiệt hại kinh tế do các đợt nắng nóng này lên đến 500 triệu USD, bao gồm cả thiệt hại về du lịch và cơ sở hạ tầng.

Gánh nặng khó đòi từ bảo hiểm

Đáng chú ý là phần lớn thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng khó định lượng được và không được bảo hiểm chi trả.

Tại Mỹ, Ricardo Lara, Ủy viên phụ trách vấn đề bảo hiểm của bang California cho biết: “Nhiệt độ cực cao không chỉ là một hiện tượng thời tiết, mà đó còn là một thảm họa âm thầm, leo thang, tàn phá sức khỏe, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng.”

Theo dữ liệu của chính phủ, các đợt nắng nóng đã trở nên dữ dội hơn, kéo dài hơn và thường xuyên gấp ba lần so với 60 năm trước. Xu hướng tăng nhiệt độ dự kiến sẽ tiếp tục do biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực dễ bị tổn thương.

Các chính sách bảo hiểm tiêu chuẩn được thiết kế cho những thiệt hại bất ngờ và vô tình, chẳng hạn như những thiệt hại do hỏa hoạn, bão và trộm cắp gây ra và thường không bao gồm những ảnh hưởng của nhiệt độ cao, có thể diễn ra từ từ.

Karen Collins, Phó chủ tịch tập đoàn công nghiệp Hiệp hội Bảo hiểm Tai nạn Tài sản Hoa Kỳ, cho biết: “Nhiệt độ cực cao dẫn đến thiệt hại thường diễn ra theo thời gian”. 

>>Nhiều thành phố ngày càng "yếu ớt" trước biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của nhà môi giới bảo hiểm Aon vào tháng 3, chỉ riêng ngành nông nghiệp và xây dựng của Hoa Kỳ đã mất năng suất ước tính khoảng 100 tỷ USD mỗi năm do nắng nóng quá mức.

Nhiệt độ cũng có thể làm giảm chất lượng và khối lượng cây trồng, những thiệt hại có thể không rõ ràng cho đến khi thu hoạch. Chương trình bảo hiểm liên bang chi trả thiệt hại do nhiệt độ đối với một số loại cây trồng nhưng không bao gồm một số loại trái cây và rau quả bao gồm dưa hấu, bí và rau diếp.

Các nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiệt độ cao, có thể khiến máy móc gặp trục trặc và công nhân phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Nghiên cứu của California về bảy đợt nắng nóng ước tính chúng khiến ngành này tổn thất hơn 700 triệu USD năng suất.

Nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến các công ty bảo hiểm e dè trong các khoản bảo vệ

Nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến các công ty bảo hiểm e dè cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Tuy nhiên, các công ty thường thấy rằng họ có rất ít cách để bù đắp những khoản lỗ đó. Chính sách bảo hiểm nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay đang trải qua nhiều thay đổi. Nhiều công ty bảo hiểm đang tăng giá bảo hiểm, hoặc rút khỏi một số thị trường nhất định. Ví dụ, các công ty bảo hiểm lớn như State Farm và Allstate đã ngừng cung cấp bảo hiểm mới cho các hộ gia đình tại California do rủi ro cháy rừng gia tăng.

Sự gia tăng của các sự kiện thời tiết cực đoan đã làm cho việc định giá rủi ro trở nên khó khăn hơn. Các công ty bảo hiểm phải điều chỉnh mô hình định giá của họ để phản ánh các rủi ro mới và không thể chỉ dựa vào dữ liệu lịch sử, khiến chi phí bảo hiểm gia tăng.

Khi các công ty bảo hiểm tư nhân rút lui, chính phủ thường phải can thiệp để đảm bảo khả năng tiếp cận bảo hiểm cho người dân. Tại Mỹ, Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia (NFIP) đã được thành lập để cung cấp bảo hiểm lũ lụt khi các công ty tư nhân không thể. Tuy nhiên, chương trình này cũng đối mặt với nhiều khó khăn tài chính do các khoản chi trả vượt quá số tiền thu được từ phí bảo hiểm.

Một lựa chọn ngày càng được các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đưa ra là các chính sách, trong đó khoản thanh toán phụ thuộc vào nhiệt độ - được gọi là bảo hiểm tham số. Nói cách khác, chúng là sự đặt cược và cho phép các công ty phòng ngừa những rủi ro khó có thể chi trả bằng bảo hiểm truyền thống.

Có thể bạn quan tâm

  • Đông Nam Á đối mặt vấn đề nan giải trong ứng phó biến đổi khí hậu

    Đông Nam Á đối mặt vấn đề nan giải trong ứng phó biến đổi khí hậu

    03:00, 26/04/2024

  • Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh tại Nhiệt điện Hải Phòng

    Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh tại Nhiệt điện Hải Phòng

    13:00, 25/03/2024

  • Công ty khởi nghiệp công nghệ cách mạng hóa tiện ích đối với biến đổi khí hậu bằng AI

    Công ty khởi nghiệp công nghệ cách mạng hóa tiện ích đối với biến đổi khí hậu bằng AI

    01:23, 18/02/2024

  • Muốn chống biến đổi khí hậu, cần làm theo cách này

    Muốn chống biến đổi khí hậu, cần làm theo cách này

    03:00, 15/02/2024

TRƯỜNG ĐẶNG