Sửa Nghị định 09/2016/NĐ-CP: Bất cập vẫn còn nguyên

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 18/07/2024 05:00

Mặc dù đã được các hiệp hội ngành hàng kiến nghị suốt nhiều năm, thế nhưng, tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP những bất cập về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm vẫn còn nguyên...

>> FFA kiến nghị sửa quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

Theo đó, Bộ Y tế đã hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đáng nói, tại Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo vẫn đề xuất giữ nguyên quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.

Đây được cho là một trong những bất cập chính sách nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nhiều năm trở lại đây, không ít kiến nghị đã được gửi đi, và nhiều chỉ đạo đã được ban hành, thế nhưng, những bất cập về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm vẫn được giữ nguyên.

tại Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo vẫn đề xuất giữ nguyên quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm - Ảnh minh họa

Tại Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo vẫn đề xuất giữ nguyên quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm - Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định 09/2016/NĐ-CP được ban hành vào tháng 01/2016, trước các bất cập gây khó cho doanh nghiệp liên quan đến quy định đã nêu, cộng đồng doanh nghiệp đã liên tục lên tiếng kiến nghị. Đến ngày 15/5/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2018 chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ quy định trên, thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng, không bắt buộc bổ sung.

Đáng nói, trong tháng 3/2023 và 01/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo chỉ đạo trong Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018, đồng thời có công văn yêu cầu trình Chính phủ trong quý III/2024. Tuy nhiên, đến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đưa ra lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo vẫn đề xuất giữ nguyên những bất cập này.

Trước thực tế đã nêu, các hội và hiệp hội ngành hàng thực phẩm gồm: Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Hội sản xuất Nước mắm Thành phố Phú Quốc, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, quy định trên bất hợp lý, không phù hợp thực tế và gây nhiều khó khăn, tốn kém cho nhà kinh doanh.

>> Đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ quy định “bổ sung vi chất”

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên bất hợp lý, không phù hợp thực tế và gây nhiều khó khăn, tốn kém cho nhà kinh doanh - Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là bất hợp lý, không phù hợp thực tế và gây nhiều khó khăn, tốn kém cho nhà kinh doanh - Ảnh minh họa

Theo bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, từ thời điểm xây dựng quy định này hội đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi các bất cập nhưng không thành công, không được lắng nghe.

Các chuyên gia đã phân tích trong quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, nếu sử dụng muối I-ốt thì nước mắm sẽ bị mất màu đặc trưng và chuyển màu tối sậm. Hơn nữa, nước mắm Phú Quốc làm từ cá cơm thì bản thân cá cơm đã đầy đủ I-ốt vì vậy không cần bổ sung. Từ năm 2018 đến nay, hiệp Hội cũng đã có những kiểm nghiệm để đánh giá về vấn đề này. Bên cạnh đó, nước mắm Phú Quốc đã được Châu Âu bảo hộ khi duy nhất chỉ có cá cơm và muối biển, mà là muối biển thiên nhiên.

Do đó, nếu bổ sung I-ốt vào nước mắm Phú Quốc là không thực hiện đúng quy trình, sản phẩm được bảo hộ không còn giữ nguyên chất lượng đã đăng ký bảo hộ.

Cũng theo bà Liên, tới thời điểm này là tám năm, các hiệp hội rất vất vả đại diện cho các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam kiến nghị và Chính phủ chỉ đạo sửa đổi theo hướng khuyến khích chứ không bắt buộc phải bổ sung I-ốt, tuy nhiên, những chỉ đạo của Chính phủ đến thời điểm này chưa được bộ ngành chuyên môn thực hiện...

“Nước mắm truyền thống đã “chết” ở thị trường nước ngoài do quy định hàm lượng histamin. Nếu sắp tới Dự thảo sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP vẫn bắt buộc bổ sung I-ốt vào nước mắm truyền thống cũng khiến doanh nghiệp nước mắm truyền thống “chết” ngay sân nhà.

Để tháo gỡ vấn đề này không riêng hiệp hội làm được mà cần sự vào cuộc, phối hợp của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và sự cầu thị của Bộ Y tế. Qua đó, mới giúp nước mắm truyền thống Việt Nam phát triển và vươn ra thế giới”, bà Liên bày tỏ.

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trước quy định về bổ sung vi chất vào thực phẩm, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cũng chia sẻ, theo ý kiến của các chuyên gia, nếu bổ sung I-ốt sẽ ít nhiều làm biến đổi sản phẩm thực phẩm trong quá trình chế biến. Đặc biệt sản phẩm điều khi xuất khẩu có hai yếu tố là màu sắc, mùi vị, nếu hai yếu tố này bị biến đổi thì chất lượng thay đổi từ loại một sang loại hai, dẫn đến giá bán cũng phải giảm theo. Điều này vô hình tạo nên sự mất đi lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp Việt Nam đang có.

“Hơn nữa, chúng tôi thấy doanh nghiệp các nước đang cạnh tranh trực tiếp về chế biến xuất khẩu với Việt Nam, đặc biệt là Ấn Độ vẫn chưa có quy định giống Việt Nam. Các căn cứ khoa học, lý luận thực tiễn các chuyên gia đã nêu bất cập, chúng ta biết mà vẫn quy định thì cần xem xét”, vị này bày tỏ.

Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm và các hiệp hội tiếp tục kiến nghị, bỏ quy định bổ sung I-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm. Việc này phải được thể hiện ngay trong bản Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP, để tháo gỡ bất cập và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp thực phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, trước đó, các hội và hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, đã có văn bản tới Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan, Ban soạn thảo xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP đề nghị việc sửa đổi và tiến độ sửa đổi một số nội dung thuộc Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo quyết nghị tại Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ và một số văn bản chỉ đạo điều hành có liên quan.

Có thể bạn quan tâm

  • FFA kiến nghị sửa quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

    FFA kiến nghị sửa quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

    03:30, 01/01/2023

  • Giải bài toán vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ phát triển toàn diện

    Giải bài toán vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ phát triển toàn diện

    16:45, 31/03/2022

  • Đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ quy định “bổ sung vi chất”

    Đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ quy định “bổ sung vi chất”

    11:30, 02/12/2021

  • Doanh nghiệp thực phẩm ba năm

    Doanh nghiệp thực phẩm ba năm "một nỗi lo về vi chất"

    15:37, 15/11/2021

  • Sữa học đường phải có 21 vi chất dinh dưỡng, chuyên gia nói gì?

    Sữa học đường phải có 21 vi chất dinh dưỡng, chuyên gia nói gì?

    00:48, 31/12/2019

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN