Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá thế nào là hợp lý?
Nhất trí với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, song các chuyên gia cho rằng, mức tăng cần giảm xuống 1.000 đồng/bao trong năm 2026 và 500 đồng/bao/năm đến năm 2030.
>> Áp thuế tiêu thụ đặc biết với thuốc lá: Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, hoàn thiện. Các nội dung được đề xuất tại Dự thảo hướng đến việc hạn chế sản xuất và điều tiết tiêu dùng nhằm đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối - hay còn gọi là thuế theo tỷ lệ phần trăm, giữ nguyên ở mức 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ năm 2026 đến năm 2030.
Với mức thuế tuyệt đối, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2, tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Phương án tăng thuế này sẽ làm tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá từ 36% (năm 2024) lên 59,4% (2030), khiến các mặt hàng này có giá thành đắt hơn, dẫn đến tác dụng giảm sử dụng thuốc lá ngay lập tức.
Ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giúp điều tiết hành vi người dùng và tăng thu ngân sách, song nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, giá bán thuốc lá hợp pháp cũng tăng cao, người tiêu dùng sẽ tìm đến thuốc lá lậu để thay thế. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, sẽ khiến thuốc lá nhập lậu tràn lan, gây ra thất thu thuế, không đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chính phủ.
>> Xem xét các tác động toàn diện khi tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đề xuất, Bộ Tài chính nên sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng cách thực hiện áp mức thuế tuyệt đối) ở mức vừa phải có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng.
Cụ thể, VTA kiến nghị áp dụng mức thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao. Với mức tăng này sẽ chỉ khiến giá bán lẻ tăng từ 4%-20% là phù hợp với đặc điểm sản phẩm thuốc lá.
“Ngoài ra, với mức tăng thuế hợp lý cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngành thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội”, đại diện VTA chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Daniel Hsu, Tổng giám đốc Tập đoàn British American Tobacco (BAT) Vùng Đông Á cho rằng, việc tăng thuế cần phải hài hòa, tránh tăng đột biến ảnh hưởng đến thị trường nhằm cân bằng mục tiêu kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả, đồng giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội và giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế bền vững.
“Mức tăng thuế quá cao, chưa từng có tiền lệ, cả 2 phương án đề xuất tại Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt bộc lộ nhiều rủi ro và chắc chắn sẽ gây sốc cho ngành thuốc lá”, ông Daniel Hsu nhận định.
Vì vậy, lãnh đạo BAT kiến nghị xem xét mức bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao trên mức thuế 75% hiện tại, và sau đó theo lộ trình mỗi năm tăng mức thuế tuyệt đối thêm 500 đồng/bao.
Liên quan vấn đề nêu trên, bà Vũ Lan Hương, Phó giám đốc Công ty Thuốc lá Thăng Long nhận định, với mức thuế tuyệt đối rất cao của Dự thảo Luật, tỷ lệ thuế/giá bán lẻ của các sản phẩm thuốc lá trung cấp sẽ cao hơn rất nhiều các sản phẩm cao cấp. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đang cung cấp cho số đông người tiêu dùng, sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn, ảnh hưởng nặng nề hơn các doanh nghiệp khác đang cung cấp cho đối tượng khách hàng ít có nhạy cảm về giá.
Với đề xuất tăng thuế này, các doanh nghiệp thuốc lá điếu nhỏ, đang có sản lượng thấp, và cả doanh nghiệp sản xuất thuốc điếu khác nếu không thích ứng kịp, đứng trước nguy cơ không thể bảo toàn vốn, tài sản nhà nước, việc làm cho người lao động.
Bà Hương kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét giãn tiến độ tăng thuế để cho các doanh nghiệp thuốc lá điếu có thời gian phục hồi sau nhiều các cú sốc kinh tế đã có.
“Trong trường hợp phải tăng thuế, cần cân nhắc tới đặc điểm tình hình thị trường thuốc lá điếu tại Việt Nam, đặc biệt là nguồn cung không hợp pháp thuốc lá rất lớn trên thị trường, lựa chọn các bước tăng vừa phải, không tạo độ sốc quá lớn, tạo độ giãn nở hợp lý cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Công ty nhất trí đề xuất của Hiệp hội thuốc lá về bước tăng 1.000 đồng/bao qua mỗi hai năm hoặc tăng đều 500 đồng/bao hàng năm”, bà Vũ Lan Hương chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Áp thuế tiêu thụ đặc biết với thuốc lá: Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng
13:02, 16/07/2024
Xem xét các tác động toàn diện khi tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá
00:57, 08/07/2024
Đánh giá thuốc lá thế hệ mới toàn diện trước khi quyết định cách thức quản lý
00:35, 22/06/2024
108.000 tỷ đồng dành cho điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm
15:39, 26/05/2024
Có nên luật hóa để quản thuốc lá điện tử?
03:00, 04/05/2024