Lập sàn giao dịch xăng dầu: Minh bạch thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích

GIA NGUYỄN 25/07/2024 04:00

Để giải quyết một số vấn đề bất cập liên quan đến thị trường xăng dầu, theo các chuyên gia, việc lập sàn giao dịch xăng dầu sẽ là một trong những công cụ giúp minh bạch thị trường…

>> Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu

Theo đó, mục tiêu lớn được đặt ra trong lần xây dựng Nghị định mới về xăng dầu lần này dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu, xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.

Vì vậy, để có thể đáp ứng được các mục tiêu đề ra, không ít ý kiến cho hay, việc lập sàn giao dịch xăng dầu được cho là một trong những công cụ cần thiết giúp minh bạch thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích.

không ít ý kiến cho hay, việc lập sàn giao dịch xăng dầu được cho là một trong những công cụ cần thiết giúp minh bạch thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích - Ảnh minh họa: ITN

Không ít ý kiến cho hay, việc lập sàn giao dịch xăng dầu được cho là một trong những công cụ cần thiết giúp minh bạch thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh vấn đề đã nêu, ông Trịnh Quang Khanh - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận, hiện tại, Nhà nước can thiệp quá sâu vào quá trình quyết định giá xăng dầu trong khi chỉ cần tạo cơ chế cho ngành xăng dầu phát triển trước những biến động của kinh tế thế giới. Hiện giá được định theo giá bình quân của các doanh nghiệp báo cáo lên, trong thực tế, mỗi doanh nghiệp có số liệu báo cáo chi phí cao thấp khác nhau, thế nên tính bình quân thì giá xăng dầu chưa phản ánh hợp lý chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Mà chi phí liên tục biến động, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến gia tăng khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ đó, ông Khanh cho rằng, cần thiết lập sàn giao dịch xăng dầu, cho phép doanh nghiệp mua xăng dầu qua sàn giao dịch của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) để bảo hiểm giá và bảo đảm nguồn cung.

“Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có cho phép doanh nghiệp mua phái sinh, nhưng các Nghị định sửa đổi sau này đã bỏ quy định đó. Nên trong Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới, chúng tôi kiến nghị đưa quy định cho doanh nghiệp mua xăng dầu qua sàn nhằm chủ động trước biến động của giá dầu thế giới, từ đó bảo đảm nguồn cung ổn định.

Hiện một lít xăng dầu bán ra phải “gánh” quá nhiều mục tiêu, từ bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần không ảnh hưởng CPI, bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp khác, không ảnh hưởng đến đời sống người dân… trong khi chỉ cần bảo đảm an ninh năng lượng, hài hòa được lợi ích 3 bên gồm: Nhà nước – doanh nghiệp - người tiêu dùng là đủ. Thế nên, cần sớm đưa giá xăng dầu trở về nguyên tắc nền kinh tế thị trường mà giao dịch qua sàn là một trong công cụ cần thiết”, ông Khanh bày tỏ.

>> Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Lập sàn giao dịch có khả thi?

Theo chuyên gia, việc lập sàn giao dịch xăng dầu, cho phép doanh nghiệp mua xăng dầu qua sàn giao dịch của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) để bảo hiểm giá và bảo đảm nguồn cung - Ảnh minh họa: ITN

Theo chuyên gia, cần thiết lập sàn giao dịch xăng dầu, cho phép doanh nghiệp mua xăng dầu qua sàn giao dịch của MXV để bảo hiểm giá và bảo đảm nguồn cung - Ảnh minh họa: ITN

Còn theo, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng như giao dịch chứng khoán, thị trường xăng dầu cũng được bảo vệ bằng công cụ phái sinh. Đó là cách tốt nhất để bảo hiểm rủi ro trước biến động giá thế giới và cả trong nước.

Tại Việt Nam, các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của các mặt hàng dầu thô, xăng pha chế, khí tự nhiên đã được MXV liên thông với sàn NYMEX và ICE của Mỹ kể từ tháng 5/2020. Việt Nam có thế mạnh là nông sản như gạo, cà phê, cao su… tham gia giao dịch qua sàn, nhưng chưa có thị trường giao ngay nên về bản chất, hàng hóa Việt Nam vẫn phải liên kết với quốc tế qua công cụ phái sinh.

Theo TS. Võ Trí Thành, với xăng dầu, dù là mặt hàng đặc thù, mang tính an ninh năng lượng quốc gia, song nên cho giao dịch qua sàn từng bước. Thứ nhất, để chính doanh nghiệp xăng dầu học hỏi cách mua bán, kỹ năng của doanh nghiệp thế giới, qua đó nâng tính chuyên nghiệp và quy mô. Thứ hai, thị trường nào cũng có yếu tố đầu cơ, nhưng nếu biết hoạt động của một sàn giao dịch thế nào để có thể phòng ngừa, bảo hiểm được những rủi ro có thể gặp phải là rất cần thiết.

“Doanh nghiệp cần ra biển lớn trong mọi hoàn cảnh, dù lớn hay bé. Doanh nghiệp xăng dầu các nước đều tham gia qua sàn, tại sao doanh nghiệp Việt lại khó khăn? Quan điểm của tôi là thế giới “chơi” gì, mình cũng nên có. Đừng để doanh nghiệp Việt chỉ quanh quẩn trong môi trường hẹp tại thị trường nội địa, bị động và không lường trước được rủi ro đến với mình ở thì tương lai.

Trong thời gian tới, giá xăng dầu thế giới được dự báo sẽ biến động bất ngờ do chịu tác động từ bất ổn địa chính trị gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Việc chủ động bảo hiểm giá xăng dầu thông qua nghiệp vụ phái sinh giúp hạn chế khó khăn, thua lỗ cho doanh nghiệp và bình ổn thị trường trong nước”, TS. Võ Trí Thành bày tỏ.

Đồng thời đề nghị có thể tham khảo ngay sàn giao dịch xăng dầu của Singapore. Việc tham gia sàn chỉ là động tác mang tính kỹ thuật, không có gì khó khăn và nếu đưa vào quy định thì doanh nghiệp phải tham gia, qua đó giúp thị trường minh bạch hơn.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, từ nội dung bài viết được Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, tại Công văn số 5124/VPCP-TH ngày 18/7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu thông tin, báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2024.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Đơn vị bán lẻ lo bị

    Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Đơn vị bán lẻ lo bị "bóp" chiết khấu

    03:30, 20/07/2024

  • Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu

    Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu

    20:23, 19/07/2024

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch

    Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch

    11:00, 17/07/2024

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết giữ Quỹ bình ổn giá?

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết giữ Quỹ bình ổn giá?

    11:30, 15/07/2024

  • Cổ phiếu xăng dầu nóng bỏng nhờ

    Cổ phiếu xăng dầu nóng bỏng nhờ "nhiên liệu" chính sách

    04:42, 13/07/2024

GIA NGUYỄN