Trong bối cảnh cơ quan soạn thảo tiếp tục đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Dự thảo Nghị định mới, theo chuyên gia, cần cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch...
>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết giữ Quỹ bình ổn giá?
Như đã thông tin, theo đề xuất tại Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu lần 3, Bộ Công Thương, không đưa ra các quy định quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu như tại các bản Dự thảo trước đây.
Theo đề xuất, số dư của Quỹ bình ổn xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện nay sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi Quỹ này theo Luật Giá 2023.
Lý giải cho đề xuất này, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Giá 2023 quy định có 5 biện pháp bình ổn, trong đó có biện pháp thứ 5 là sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng đã thành lập Quỹ. Đồng thời, Quỹ Bình ổn sẽ không sử dụng thường xuyên, mà khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện.
Dự thảo cũng đang đề xuất quy định, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ bình ổn vào ngân sách Nhà nước.
Nhìn nhận về đề xuất này, không ít ý kiến cho hay, việc đưa quỹ Bình ổn giá xăng dầu về một đầu mối sẽ giúp quản lý được tập trung và nếu thất thoát trách nhiệm sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý Nhà nước nắm quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn cần cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch, công khai, trách thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.
>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công an, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn nhiều sơ hở, bất cập để một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm dụng, sử dụng sai mục đích; một số cơ quan chức năng và dư luận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có ý kiến trái ngược về sự cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Do vậy, Bộ Công an đề nghị, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính đánh giá kỹ vai trò, tác dụng của Quỹ Bình ổn giá trong thực hiện mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước trước các biến động đột ngột về giá của thị trường xăng dầu thế giới; sự phù hợp quy định về Quỹ Bình ổn giá với quy định của pháp luật. Trong trường hợp tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá, Bộ Công Thương đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Nghị định quy định chặt chẽ việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Quỹ; phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đây là vấn đề phức tạp. Để quản lý quỹ hiệu quả, Bộ Tài chính cần lập hội đồng có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu mối, cơ quan liên quan để quyết định mức chi, trích lập trong những thời điểm giá thế giới biến động mạnh. Sử dụng Quỹ bình ổn giá cần triển khai một cách hiệu quả, đúng như tên gọi bình ổn thị trường.
“Cần giải pháp quản lý hiệu quả, tránh các cơ quan liên quan “đá trái bóng trách nhiệm”. Nếu giao về Bộ Tài chính, Bộ trưởng của Bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về việc sử dụng, quản lý số tiền này”, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Xoay quanh vấn đề của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trước đó, không ít ý kiến đề nghị, cần bỏ quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Nghị định mới. Bởi việc điều chỉnh giá với chu kỳ 7 ngày/lần sẽ khiến mức độ biến động giá giữa 2 kỳ điều chỉnh cơ bản không còn lớn, trong khi việc duy trì và quản lý Quỹ này thời gian qua đã bộc lộ nhiều rủi ro và bất cập. Chưa kể, giá xăng dầu hiện nay phụ thuộc vào giá thị trường, nhưng việc hình thành quỹ là từ nguồn lực của người dân đóng góp.
Được biết, theo số liệu gần nhất được Bộ Tài chính công bố, số dư quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện gần 6.700 tỷ đồng. Quỹ đang được trích lập và sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021//TT-BTC, vì vậy, Quỹ sẽ chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên, khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết giữ Quỹ bình ổn giá?
11:30, 15/07/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá
03:30, 08/05/2024
Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đâu chưa bỏ?
03:50, 08/04/2024
Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá?
14:00, 31/01/2024
Nghị định 80/2023 – Có ngăn được “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
04:00, 24/12/2023