Chuyên gia cho rằng nếu để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu thì phải có công cụ kiểm soát để tránh việc doanh nghiệp làm giá một cách tùy tiện, chèn ép, “bóp” chiết khấu của các đơn vị bán lẻ…
>>Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lo phát sinh tiêu cực
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Đáng chú ý, tại dự thảo lần 3 này, Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu sẽ tự quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Theo đó, Nhà nước chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như chi phí thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Tại dự thảo, giá bán xăng dầu tối đa sẽ được xác định bằng chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cộng thuế giá trị gia tăng. Điều đáng chú ý trong công thức tính giá là lợi nhuận định mức vẫn được duy trì 300 đồng/lít như quy định cũ.
Cũng tại dự thảo, Bộ Công Thương không còn quy định riêng về quỹ bình ổn mà nêu ra quan điểm về việc vận hành quỹ này. Theo đó, dự thảo sửa đổi theo hướng quy định về trường hợp thực hiện bình ổn giá xăng dầu tương tự với các mặt hàng khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại Luật Giá.
Cụ thể, trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân hoặc thiên tai, dịch bệnh..., Bộ Công Thương chủ trì báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
Bình luận về đề xuất này, một số chuyên gia cho rằng, việc trao cơ chế cho doanh nghiệp tự tính toán, quyết định giá bán lẻ xăng dầu được đánh giá sẽ là bước tiến tới cơ chế thị trường, tạo sự cạnh tranh thực sự và tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp một cách kịp thời. Song một số quan điểm lại cho rằng, cần có thêm các công cụ kiểm soát một cách chặt chẽ, tránh sự độc quyền, chèn ép các đơn vị bán lẻ.
>>Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu
Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát cho rằng, nếu để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán lẻ thì doanh nghiệp phân phối sẽ rơi vào tình trạng bi chèn ép. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy cung ứng như thời gian trước do sự bất công, doanh nghiệp bán lẻ bị “đè” chiết khấu, chiếm dụng chi phí…
Vì thế, ông Thắng đề nghị cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức một; cho phép thương nhân phân phối định giá bán buôn mức hai và giá bán lẻ; cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán lẻ.
"Còn trong trường hợp Nhà nước quy định giá bán lẻ, tôi đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của cả 3 khâu là 3.000 đồng/lít - 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỉ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch bằng thông tư bổ sung thay thế cho Thông tư 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hoặc quy định cụ thể tại nghị định mới", ông Thắng nói.
Theo một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, dự thảo nghị định quy định cố định về lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, giá xăng dầu sẽ gồm các yếu tố khác như chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, nhưng không quy định rõ cơ cấu tỉ lệ chi phí của các khâu tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu, tỉ lệ hoặc mức chiết khấu tối thiểu trong điều kiện bất thường để tránh tình trạng đẩy khó về doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.
Do đó, các đơn vị bán lẻ cho rằng, nếu không có quy định cụ thể cơ cấu chi phí kinh doanh định mức, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ thế nào, phân chia chi phí giữa các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu và để thương nhân phân phối quyết như vậy sẽ không thực sự tạo bình đẳng cho thương nhân phân phối, bán lẻ. Điều này không phù hợp với định hướng thị trường xăng dầu cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường. Do đó vị chuyên gia đặt nghi vấn nếu để cho các doanh nghiệp được quyết định giá bán, liệu có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không?
"Nếu để doanh nghiệp đầu mối giữ vị thế thống lĩnh thị trường quyết định giá thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra", PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ lo ngại.
Có thể bạn quan tâm