Bất động sản khu công nghiệp khởi sắc, doanh nghiệp “họ Sonadezi” làm ăn ra sao?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản khu công nghiệp khởi sắc, phần lớn các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Sonadezi đều có kết quả kinh doanh khả quan.
>>>Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ ngành bán dẫn
SZL: Lợi nhuận cao nhất 6 quý
Đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp “họ Sonadezi” đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Sonadezi Long Thành (HoSE: SZL) có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất. Báo cáo SZL ghi nhận doanh thu quý II/2024 đạt 102 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp hơn 39 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về cơ cấu doanh thu, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu trong quý II của SZL là mảng cho thuê nhà xưởng mang về hơn 47,6 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; mảng kinh doanh nước mang về gần 23,4 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; mảng cho thuê đất, phí quản lý mang về gần 18 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ; mảng kinh doanh xử lý nước thải mang về hơn 18,3 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; mảng kinh doanh xăng dầu mang về hơn 15 tỷ đồng, tăng tăng gần 15,4% so với cùng kỳ…
Kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của SZL cũng tăng mạnh 186% lên gần 13 tỷ đồng; chi phí cho hoạt động này mặc dù cũng tăng mạnh 233% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng chỉ ở mức 1,2 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay. Các chi phí khác như chi phí bán hàng tăng 159% so với cùng kỳ, lên hơn 1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ, lên 9,6 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, lợi nhuận sau thuế của SZL ghi nhận đạt 34,6 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất sau 6 quý, kể từ quý IV/2022 của doanh nghiệp này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 240 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 27% so với cùng kỳ, lên gần 58 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận của năm 2024.
SZC: Hoàn thành 73% mục tiêu lợi nhuận
Tương tự, với Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC), mặc dù ghi nhận doanh thu trong quý II sụt giảm 9% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 262 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ này lại giảm mạnh 25% so với cùng kỳ, xuống còn gần 113 tỷ đồng, nên doanh nghiệp lãi gộp 149,5 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng giảm 28% so với cùng kỳ, xuống còn gần 9 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 46% so với cùng kỳ, xuống còn 0,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh 80%, lên gần 14 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế quý II của SZC đạt hơn 102 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lợi nhuận chỉ tăng nhẹ, nhưng cũng đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh 6 tháng của doanh nghiệp. Theo đó, sau nửa năm, doanh thu thuần của SZC đạt hơn 476 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 167 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu kế hoạch năm 2024, doanh nghiệp đã hoàn thành 54% mục tiêu doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
SZG: Sạch nợ ngân hàng
Một doanh nghiệp khác cũng thuộc “họ Sonadezi” là Công ty CP Sonadezi Giang Điền (UpCOM: SZG) mặc dù kết quả kinh doanh đi lùi, nhưng bức tranh tài chính của doanh nghiệp vẫn có những điểm sáng. Cụ thể, doanh thu thuần quý II/2024 của SZG giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 101 tỷ đồng, do doanh nghiệp không còn ghi nhận khoản doanh thu cho thuê tài sản ghi nhận theo tổng số tiền nhận trước trong năm, cùng kỳ khoản này ghi nhận hơn 78 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của SZG cũng giảm gần 65%, xuống còn 2 tỷ đồng, do hụt khoản cổ tức từ chứng khoán kinh doanh; chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 1.804% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm mạnh 79% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 7 tỷ đồng, phần nào bù đắp được khoản tăng cao của chi phí bán hàng.
Kết thúc quý II, lợi nhuận sau thuế của SZG đạt 30 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận đạt hơn 193 tỷ đồng doanh thu, giảm 23% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 67 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Với kết quả này, SZG đã hoàn thành 62% mục tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024.
Một điểm sáng trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này là tại thời điểm cuối quý II, doanh nghiệp không còn ghi nhận khoản nợ vay từ ngân hàng, trong khi đầu năm ghi nhận gần 250 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp đã sạch nợ ngân hàng.
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng ngành
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá ngành bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng của ngành như: Nhiều địa phương trọng điểm hoàn tất Quy hoạch mới – Gỡ rối điều chỉnh quy hoạch dự án cũ; Thúc đẩy phát triển dự án mới; Thúc đẩy đầu tư hạ tầng lan tỏa tích cực tới ngành; Tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng; Khách thuê tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam giúp tỉ lệ hấp thụ và giá chào thuê tiếp tục tăng…
BVSC cho rằng, thị trường BĐS KCN vẫn tiếp tục là điểm sáng với tỉ lệ hấp thụ tốt và giá chào thuê tiếp tục ở mức cao. Theo CBRE, đất KCN tại thị trường cấp 1 miền Bắc giá chào thuê đạt 133 USD/m2/kỳ thuê, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Với việc đầu tư FDI công nghệ cao thúc đẩy hoạt động tích cực; và không có dự án mới đi vào hoạt động trong quý; tỉ lệ lấp đầy tại miền Bắc đạt 83%.
Tại thị trường miền Nam duy trì tích cực trong nửa đầu 2024 nhờ vào xu hướng mở rộng của các nhà sản xuất. Theo CBRE, giá đất KCN tại thị trường cấp 1 đạt 189 USD/m2/kỳ thuê, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Quỹ đất KCN còn lại ở miền Nam tương đối hạn chế, với tỉ lệ lấp đầy khoảng 92%.
“Với nhu cầu mở rộng sản xuất và xu hướng FDI dồi dào vẫn tiếp tục; cùng với nguồn cung hạn chế; chúng tôi dự báo giá chào thuê tại các KCN sẽ duy trì ở mức cao và tiếp tục tăng trong thời gian tới”, BVSC nhận định.
Cũng theo BVSC, FDI vào Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tích cực trong 4 tháng đầu năm khi vốn đăng ký mới và số dự án đầu tư tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, 4 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng 28,8% về số lượng dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tăng 73,2% về tổng vốn đăng ký đầu tư mới.
Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Úc, qua đó giúp tăng cường sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA)… cũng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để Việt Nam có được lợi thế tương đối trong hoạt động thương mại và đầu tư.
“Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những hãng lớn đang dần tập trung vào Việt Nam: Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam; nhiều hãng khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam”, BVSC đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ ngành bán dẫn
05:00, 20/07/2024
Bất động sản công nghiệp duy trì sức hút
04:00, 12/07/2024
Bất động sản công nghiệp nâng tầm nhờ bán dẫn
03:00, 04/07/2024
Bất động sản công nghiệp khởi sắc nhờ FDI
11:00, 30/06/2024
"Nóng" cuộc đua đầu tư bất động sản công nghiệp
11:30, 24/06/2024