Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc việc áp dụng với một số mặt hàng
Để đảm bảo sự hài hòa, phù hợp thực tiễn cuộc sống, góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), VCCI đề xuất cân nhắc việc áp dụng sắc thuế này với một số mặt hàng…
Hi>> Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật.
Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), bên cạnh đề xuất cần nghiên cứu lại lộ trình tăng thuế đối với rượu bia và thuốc lá, đồ uống có đường,… tại văn bản góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi) mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, điều hoà nhiệt độ.
Cụ thể, thao VCCI, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Trong khi xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
>> Chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt còn khiến doanh nghiệp quan ngại
Cùng với mặt hàng xăng, VCCI cũng cho hay, mặt hàng điều hoà nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.
“Trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay”, VCCI bày tỏ.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà nhiệt độ.
Thực tế, đây không phải lần đầu đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng được đề cập mà trước đó, ngoài VCCI, nhiều chuyên gia cũng nhận định, cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng như nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là chưa đúng, chưa chuẩn về cơ bản. Bởi hiện nay Việt Nam không có giải pháp thay thế cho nguồn nhiên liệu này do năng lượng tái tạo chưa phát triển mạnh.
Đáng nói, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu… trong khi xăng dầu đã phải gánh chịu thuế bảo vệ môi trường. Chưa kể, nếu tính đến mục tiêu thu thuế cho ngân sách Nhà nước thì hiện nay sắc thuế này cũng không phù hợp bởi hai nhà máy lọc dầu trong nước đã cung cấp được hơn 70% nguồn cung.
Vì vậy cơ quan quản lý cần phải xem xét sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng càng sớm càng tốt, nhất là không thể hạn chế sử dụng đối với sản phẩm được xem là bắt buộc trong đời sống của người dân, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.
Ngoài những vấn đề liên quan đến các mặt hàng đã nêu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành và Dự thảo Luật (sửa đổi) đều sử dụng khái niệm “xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” là đối tượng chịu thuế.
Tại văn bản góp ý, VCCI cũng cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong thời gian qua, khi áp dụng quy định này phát sinh nhiều vướng mắc bất cập. Thuật ngữ xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng không tương thích với thuật ngữ được sử dụng trong việc phân loại ô tô được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ – Ô tô – Phân loại theo mục đích sử dụng. TCVN 7271 phân loại ô tô thành ô tô chở người, ô tô chở hàng và ô tô chuyên dùng. TCVN 7271 không có khái niệm ô tô vừa chở người, vừa chở hàng. Điều này gây nhiều lúng túng khi áp dụng.
“Một số doanh nghiệp kiến nghị cần làm rõ khái niệm xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng hoặc có thể bỏ khái niệm này mà dẫn chiếu đến quy định về phân loại xe của Bộ Giao thông vận tải để thuận tiện cho quá trình áp dụng. Bởi theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay trên hồ sơ đăng kiểm của mọi phương tiện đều có ghi thông tin về số người và lượng hàng hoá được phép chở. TCVN 7271 cũng dựa vào tỷ lệ người và hàng này để phân loại xe ô tô (quy đổi một người nặng 65kg).
Cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tương tự, đưa ra các ngưỡng tỷ lệ nhằm phân loại các mức thuế, bảo đảm minh bạch, thuận tiện áp dụng cho tất cả các trường hợp, kể cả xe mới lẫn xe nâng cấp cải tạo”, văn bản góp ý của VCCI nêu.
Có thể bạn quan tâm
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá thế nào là hợp lý?
00:30, 18/07/2024
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick up, ảnh hưởng ra sao?
04:21, 17/07/2024
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng
13:02, 16/07/2024
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe pick up, ảnh hưởng ra sao?
14:25, 15/07/2024
Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần đảm bảo cân bằng lợi ích kinh tế và xã hội
00:30, 15/07/2024